Thợ rèn lần đầu được đi máy bay là hết năm lớp 12, thợ rèn bay vào Thành Phố Hồ Chí Minh để học tiếng Nhật để chuẩn bị đi du học. Máy bay bay chừng hai tiếng, nhưng thợ rèn thấy khó chịu vô cùng. Khó chịu là vì mình đi giầy, không có quen. Chỉ muốn bỏ ra, cơ mà vì bị hôi chân nên không dám bỏ chân khỏi giầy, sợ mọi người chê kém duyên.
Ngày xưa thợ rèn đi chân đất quen. Với lại đi dép, đi tông nhiều hơn, chứ giầy chỉ dành cho những buổi học thể dục. Thợ rèn còn nhớ có cái xe đạp đi cắt cỏ mà phanh không nhạy, ngày nào cũng phải đạp xe qua cầu. Chiều lên dốc thì không sao, chứ chiều xuống dốc là phải lấy dép chạm vào bánh trước làm phanh. Đi được độ đôi ba tháng thì đôi dép bị mòn hết một bên.
Giờ qua Nhật, gần như cứ ra khỏi nhà là thợ rèn đi giầy, chứ không có đi dép nữa, thói quen hoàn toàn ngược lại với hồi trẻ bên Việt Nam. Có những hôm ngồi tàu Shinkansen, đi máy bay đường dài (từ 4~13 tiếng) hoặc có những hôm phải ngồi xe buýt đêm, thợ rèn có mang theo đôi dép đi trong nhà để thay. Chân thợ rèn giờ cũng không còn hôi như ngày trước nữa, nhưng vì thợ rèn có mồ hôi dầu nên chỉ cần đi chừng đôi ba tiếng là sẽ phát ra mùi hôi (nhẹ). Mùi này vốn cũng có khí NH3 nên dù ít dù nhiều thì vẫn có thể ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Bài này thợ rèn sẽ chia sẻ với các bạn một bí kíp để tránh mùi hôi. Đó là sử dụng đồng 10 yên Nhật để cho vào giầy mỗi khi đi làm về.
Đồng 10 yên Nhật là đồng tiền được làm từ đồng (Cu). Khi đồng bị ô xi hoá, đặc biệt trong điều kiện ẩm ướt (giầy bị ướt vì mồ hôi chân…) đồng dễ bị ô xi hoá, tạo ra ion đồng. Ion đồng có tính khử khuẩn, nên có thể giúp hai việc, tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa vi khuẩn sinh sản. Vi khuẩn gia tăng về số lượng rất nhanh, nên chỉ cần không tăng về số lượng thì đó đã là một thành quả lớn, đàng này Cu2+ còn tiêu diệt vi khuẩn nữa nên tác dụng sẽ rất lớn. Tấm hình phía dưới cho chúng ta thấy kết quả của việc nuôi khuẩn trong ba mẫu, mẫu thứ nhất (bên trái) sử dụng đồng tấm, mẫu ở giữa sử dụng đồng thau (vàng), và mẫu bên phải ngoài cùng là mẫu không có đồng. Những đốm màu vàng là khuẩn cầu được đưa vào nuôi cấy. Kết quả sau 24 giờ cho thấy 2 mẫu có đồng gần như khuẩn không có sự tăng về số lượng, trong khi đó mẫu không có đồng thì khuẩn tăng mạnh về số lượng. Với tốc độ trên thì để sau 24 tiếng, cả mẫu sẽ ngập tràn khuẩn.
Tác dụng diệt khuẩn của ion đồng đã được ứng dụng nhiều trong thực tế, bao gồm cả trong các sản phẩm từ thời xưa của Việt Nam. Ví dụ như mâm đồng để bày thức ăn, tay nắm cửa bằng đồng để tránh vi khuẩn bám dính (thường thấy trong khách sạn hoặc các nhà cổ của những người giàu ngày xưa), bồn rửa sử dụng ống dẫn bằng đồng, tránh vi khuẩn bám dính…
Năm 2 cao học, phòng nghiên cứu của thợ rèn cũng kết hợp với một công ty thương mại chuyên cung cấp vật liệu đồng của Nhật cùng suy nghĩ làm một vài sản phẩm sử dụng tính chất khử và kháng khuẩn của ion đồng. Đến nay đã có một số sản phẩm được cho ra thị trường. Thi thoảng thợ rèn cũng có thấy một số cửa hàng họ bán tấm lót giầy có đệm lá đồng mỏng, hoặc có cửa hàng bán bút họ có quấn quanh khu vực tay cầm một chút đồng lá. Những sản phẩm này thường sẽ mắc hơn bình thường một chút, cơ mà do có tính kháng khuẩn nên nếu bạn nào dễ ra mồ hôi tay, mồ hôi dầu, hoặc ngại về mùi hôi thì có thể trả giá cao hơn một chút, mua về dùng giúp cơ thể tránh xa được các loại vi khuẩn.
Những bạn nào không có điều kiện thì có thể nhặt trong ví 4~10 đồng tiền xu để sẵn ở cổng, mỗi khi đi làm về chia số đồng xu làm hai phần cho vào trong giầy, sớm mai thức dậy sẽ yên tâm giầy sẽ vẫn không bị bốc mùi mà không tốn nhiều tiền mua thuốc khử mùi, vừa đơn giản hiệu quả vừa thân thiện với môi trường. Bạn nào ở Việt Nam nếu không có đồng 10 yên Nhật thì có thể tìm quanh nhà xem có tấm lá đồng nào không để sử dụng hiệu quả cũng hoàn toàn tương tự.
#7777- By Thợ rèn