Nền giáo dục của Nhật Bản có sự thay đổi qua các thời kì. Có thời kỳ học hành vô cùng căng thẳng, nhưng cũng có những thời kỳ học sinh được giảm tải, học hành vô cùng nhẹ nhàng. Người Nhật sinh ra trước những năm 80 tức năm nay vào khoảng 40 tuổi đổ lên sinh vào thời kỳ kinh tế vẫn đang đà tăng trưởng thần kỳ, đến tuổi đi học thì học sinh nhiều còn trường học thì ít. Họ chịu sự cạnh tranh khốc liệt, họ học ngày học đêm, trong mơ cũng học. Buổi tối, các gia đình khi xem ti vi cũng không dám bật to, họ đeo tai nghe để cho con em họ còn học thi. Hồi bấy giờ họ còn có cả những sản phẩm là những chương trình học mà tối ngủ bố mẹ cho con cái nghe để tranh thủ học luôn lúc ngủ. Người Nhật thế hệ này họ được học những khái niệm trong toán học như tập hợp ngay từ tiểu học (bây giờ phải cấp 3 mới được học). Nhiều người trong số họ tinh thông đủ các lĩnh vực, đàn hát, nghệ thuật, khoa học, kinh tế cái gì cũng biết.
Nhưng những người sinh năm 80 đổ lại đây được học theo chương trình giảm tải, được gọi là Yutori kyoiku họ học hành nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nhiều nội dung được cắt giảm, đồng thời những môn học mới như trải nghiệm thực tế và làm công việc gia đình được bổ sung. Trong đó có một chi tiết đó là nhiều người trong số họ không được dạy cách viết các chữ cái la tinh, mặc dù trên trường có dạy tiếng Anh.
Ai học tiếng Nhật thì sẽ biết rằng bảng chữ của người Nhật giống như con giun, con dế, khác hoàn toàn với hệ chữ la tinh. Thợ rèn trước không biết điều này nên cứ thắc mắc sao đám bạn Nhật nó viết tiếng Anh xấu và chậm thế. Có lần thợ rèn thấy có đứa bạn viết tên của thợ rèn, thấy dòng chữ, Nguyễn Văn Thợ Rèn cứng cứng như mấy que củi là thấy hết cảm tình rồi. Nguýt một cái rồi, thợ rèn trổ tài viết chữ đẹp cho bọn chúng xem, kiểu như đang viết calligraphy uốn uốn lượn lượn đấy. Chúng bạn tròn xoe và trầm trồ khen làm thợ rèn phổng hết cả mũi.
Rồi thợ rèn đi làm, làm việc với người Nhật nên ghi chép gì thợ rèn đều dùng tiếng Nhật cả, trừ các con số thì không phân biệt Anh, Nhật hay Việt . Có lần khi đặt hàng công ty ngoài chuẩn bị dao cắt, thợ rèn viết ngoáy thế nào mà số 4 thành số 9, thế là đến lúc nhập hàng về dư ra hẳn 5 chiếc, tá hoả xem lại thì hỡi ôi, chỉ tại những con số như phượng múa rồng bay kia. Mỗi chiếc giá chừng 40 triệu tiền Việt vị chi thợ rèn đã đặt dư 200 triệu chỉ vì một nét ngoáy. Cũng may, dao cắt dùng được cho những tháng sau, chứ không thợ rèn đã không biết giải quyết thế nào.
Qua vụ đó, thợ rèn mới để ý lại các con số và nhận ra rằng chữ và số có thể không cần đẹp nhưng cần chính xác và dễ đọc. Để ý người Nhật xung quanh, 10 người thì 9 người họ viết số cực kỳ cẩn thận và dễ đọc, gần như không có chuyện nhầm số 1 thàng số 7, số 4 thành số 9, số 5 thành số 6. Mà không chỉ những người làm kỹ thuật, ngay cả những cô làm văn phòng cũng vậy, khi động tới các con số nét nào ra nét đấy. Làm việc với những con số rõ ràng giúp chúng ta tránh được lãng phí do phải xác nhận trong trường hợp không rõ ràng. Làm việc với những người viết số rõ ràng thấy tin tưởng hơn rất nhiều so với những người viết những con số xấu xí.
Người Nhật viết chữ xấu, nhưng các con số thì thật là đẹp. Giờ máy tính phổ cập rồi nên ít khi phải viết tay, nhưng vẫn còn những tình huống mà chúng ta phải viết tay ví dụ như khi điền tờ khai khi rời (hoặc đến) tại các sân bay quốc tế, làm các tờ khai theo mẫu tại các văn phòng thuế, văn phòng hành chính, hoặc gần gũi hơn là ghi chú trong quyển sổ tay, viết lời nhắn uý thác công việc cho đồng nghiệp…Giờ thợ rèn đã luôn nhắc nhở mình phải viết sao cho các con số thật rõ ràng, ai nhìn vào cũng không hiểu lầm. Chúc em sinh nhật 18 tuổi ngày càng xinh tươi mà em nó đọc thành 78 tuổi thì chỉ có nước vắt chân lên cổ mà chạy các bạn nhỉ.
#0 By Thợ rèn