Hồi còn học năm nhất master, thợ rèn được tham gia chương trình đào tạo “Nhân tài châu Á” tiếng Nhật là アジア人財. Trong chương trình này có môt khoá học tại công xưởng với những người là xưởng trưởng(工場長 ) của những công ty vừa và nhỏ. Quy mô công ty từ 20~400 nhân viên, làm đủ các ngành nghề. Nhóm của thợ rèn có công ty sản xuất pháo hoa là nhỏ nhất chỉ khoảng 20 nhân viên, còn lại là những người làm thêm, thuê theo mùa vụ. Có công ty lớn nhất thì làm linh phụ kiện ô tô, quy mô chừng 400 nhân viên. Nửa đầu kỳ mọi người cùng học lý thuyết, nửa sau thì trực tiếp xuống xưởng thực chiến về kaizen (cải tiến). Mỗi tuần đi một công ty, mỗi công ty đi một ngày. Hồi đó thợ rèn cũng chưa biết nhiều về kaizen, đi trong nhóm kiểu giống như là học ké. Học ké là bởi nhóm có một người hướng dẫn là người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong công xưởng làm về kaizen, còn những học viên khác thì đều là xưởng trưởng hoặc trưởng phòng của một công ty, có mỗi thợ rèn là sinh viên. Hồi đó trong suy nghĩ của thợ rèn những công ty của Nhật chắc là phải sạch sẽ, xịn xò lắm, nhưng đi tới các công xưởng của các công ty sản xuất thì thợ rèn nhận ra không hẳn là như vậy. Cũng rất nhiều thứ ngổn ngang, cũng có những góc rất không gọn gàng, cũng có vô số các vấn đề hoàn toàn có thể làm tốt hơn. Thợ rèn còn nhớ, hồi đó có đọc được đâu đó câu nói của những người từng làm tại Toyota rằng, khi họ tới các công ty cung ứng linh kiện, nơi mà họ ghé thăm đầu tiên là nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh mà sạch sẽ thì coi như nhà cung ứng đã đậu được 50%. Thợ rèn cũng không hiểu điều này lắm, nhưng sau này mới ngộ ra rằng, những thứ nhỏ nhặt nhất, những chỗ ít người để mắt tới, những chỗ được mặc định là không sạch sẽ nhất mà giữ được sạch sẽ thì hẳn những chỗ khác họ sẽ làm tốt hơn.
Khi ghé thăm các xưởng trong kỳ thực hành, thợ rèn đi vệ sinh và thường quan sát xem cách họ giữ gìn nhà vệ sinh như thế nào, coi như đó là một thước đo để đánh giá công ty. Thợ rèn cũng nhận ra, những công ty nào chỉn chu, nhà vệ sinh của họ cũng rất sạch sẽ. Hồi bấy giờ thợ rèn có ghé một nhà vệ sinh mà trong đó họ vẽ một vòng tròn trên đó ghi tên người phụ trách dọn nhà vệ sinh. Nhìn qua là biết lịch tuần này ai sẽ dọn nhà vệ sinh, hết sức trực quan. Nhà vệ sinh của công ty đó luôn sạch sẽ, khăn lau tay luôn được giặt cẩn thận, dép đi cũng được xếp ngay ngắn. Người trực tiếp lau dọn nhà vệ sinh là nhân viên công ty chứ không phải thuê ngoài, hỏi ra thì trên danh sách người dọn nhà vệ sinh có cả trưởng phòng.
Hôm rồi thợ rèn đi siêu thị bán đồ gia dụng. Sau khi mua đồ, thợ rèn ghé nhà vệ sinh. Ngay từ lối vào đã rất sáng và sạch sẽ. Bên trong họ còn để môt số cây cảnh, trên tường thì dán tranh trông hết sức tươi mới. Gương không có vết bẩn, bên cạnh bồn rửa tay họ còn để một ít than hoạt tính để hút mùi, và một lọ nước thơm mùi hoa lavender. Nói là nhà vệ sinh chứ thực sự rất là sạch sẽ và thơm tho. Ở góc bên tường, thợ rèn để ý thấy có một tệp trên đó kèm check list ghi ngày tháng, buổi sáng buổi chiều, người dọn dẹp, và có một số hạng mục để kiểm tra xem đã làm ok hay chưa. Nhìn qua thì thấy họ dọn dẹp đều đặn hai ca mỗi ngày, không sót ngày nào cả. Tờ check list khiến thợ rèn suy nghĩ về vai trò và ý nghĩa của tờ giấy này.
Ở Nhật, trên công ty, trường học hay ở một tổ chức nào đó việc làm check list này không phải chuyện lạ. Nhưng đối với cá nhân thì thợ rèn lại nhận thấy ít người làm thế. Trước kia ở nhà thợ rèn cũng không làm, khi đến thăm nhà bạn cũng không thấy có check list nào cả. Thường mọi người sẽ quan sát khi nào có dấu hiệu không sạch sẽ thì sẽ bắt tay dọn. Cơ mà kinh nghiệm thực tế, nếu để nguyên như vậy thông thường sẽ khó có thể thắng được bệnh lười. Thế là thợ rèn nghĩ, ngay cả ở nhà, việc dọn nhà vệ sinh, dọn nhà tắm, dọn bồn rửa, dọn bếp, vệ sinh tủ lạnh, giặt ga nệm cũng cần có một bảng check list và treo ở góc nhà. Khi nào ta làm thì sẽ ghi ngày thực hiện vào đó, nếu không làm thì bỏ trống, làm như vậy sẽ cụ thể hoá được trong tháng mình đã dọn dẹp vệ sinh hay chưa? nhìn qua là có thể thấy ngay. Không có bảng check thì đôi khi chúng ta dễ dãi cho qua, bảo nay không làm thì mai làm cũng được, tuần này không làm thì tuần sau xử lý cũng không sao, kết quả là có khi cả tháng mới dọn một lần, ai lười thì có khi để cả năm mới tổng vệ sinh một lần cũng nên. Có check list khi nhìn thấy chưa làm, chắc chắn ta sẽ thấy có điều gì đó khó chịu và muốn lấp cái chỗ trống, vô hình chung nó sẽ trở thành động lực để ta bắt tay vào hành động.
Não người có hai phần, phần não lý tính và não cảm tính. Não lý tính làm việc theo kế hoạch và thường giúp ta đạt được kết quả mong muốn, não cảm tính làm việc theo bản năng giúp ta phản ứng vô điều kiện với những nguy hiểm. Não cảm tính thường có khuynh hướng lựa chọn hướng an toàn, và dễ dàng, bệnh lười cũng là do não này mà ra. Thông thường, não cảm tính sẽ thắng não lý tính, nhưng nếu khéo léo một chút thì có thể dùng não lý tính lừa não cảm tính, qua đó giúp ta bắt tay vào hành động.
Ví dụ khi định đọc sách, nếu đặt mục tiêu đọc 20 trang sách, khả năng não cảm tính sẽ thấy phiền phức và nghĩ thôi khó quá bỏ qua, mai đọc cũng được, khiến ta trong vô thức sẽ bỏ qua hoặc chọn một việc nào đó dễ dàng hơn như lướt facebook, xem youtube thay vì ngồi vào bàn học. Nhưng ai khéo thì lừa bản thân bằng cách hạ độ khó của công việc trước mắt. Thay vì bảo đọc 20 trang, ta tự bảo chỉ cần ngồi vào bàn, mở xem tiêu đề của bài đầu tiên là được. Khi đó não cảm tính sẽ chấp nhận dễ hơn vì việc này thực ra không quá khó. Nhưng khi đã mở cuốn sách ra, thông thường não cảm tính sẽ không muốn dừng ở đó mà nó còn muốn làm nhiều hơn, và khi ta nhận ra thì ta đã đọc được thêm mấy trang rồi. Điểm mấu chốt ở đây là phải làm sao khiến ta có hành động đầu tiên.
Check list thợ rèn kể ở trên cũng là một công cụ để nhắc nhở bộ não rằng ta chưa hoàn thành một thứ gì đó. Về bản năng, điều này khiến ta cảm thấy không được thoải mái, khiến ta dẫn tới hành động đó là bắt tay vào làm để xử lý xong việc đó.
Bức ảnh dưới là check list thợ rèn dùng để theo dõi nhắc nhở “não cảm tính” rằng “não lý tính” đã lên kế hoạch. Trông rất đơn giản nhưng lại có hiệu quả rất lớn trong việc giúp ta thắng được sức ì tâm lý. Bạn nào mong muốn có được những thói quen tốt, cũng có thể thử lập một check list là những thói quen muốn thưc hiện, và kèm theo ngày tháng. Ngày nào làm được thì tích OK, ngày nào không thực hiện được thì ghi NG. Sau khoảng một tháng sẽ có kết quả, và điều quan trọng là trong khoảng thời gian thử nghiệm đó check list sẽ trở thành người bạn đồng hành não lý tính giục não cảm tính phải bắt tay vào thực hiện.
#0 – By Thợ rèn