Từ trải nghiệm tại Nhật, thợ rèn muốn viết về những ý tưởng nó loé lên trong đầu. Vô tình ai đó đọc được có cộng hưởng thêm vào và cho ra sản phẩm thực tế thì tuyệt nhất. Có thể một số ý tưởng ở đâu đó đã được thực hiện, cơ mà về cơ bản, những loạt bài viết này thợ rèn chưa đi sâu tìm hiểu, chỉ coi như là một ghi chú cho những trải nghiệm và sự kết hợp có thể suy nghĩ tới.
“In hình lên vật phẩm, vẽ hình người chibi tại địa điểm du lịch”
Ba năm trước thợ rèn có đi du lịch lên miền bắc Nhật Bản. Thợ rèn có ghé một khu mua sắm rất chi là sầm uất. Hồi đó chưa có dịch bệnh như hiện tại, người người đi lại tấp nập, quán xá chỗ nào cũng đông người. Người Nhật khu vực phía bắc nổi tiếng là đẹp, đặc biệt những người xuất thân từ Akita. Ngày xưa mọi người còn bảo con gái xuất thân từ đây da trắng như tuyết, tóc đen như gỗ mun, nụ cười thì đẹp như mùa thu toả nắng, đến các vị vương tướng còn xao xuyến chứ không nói gì đến dân thường.
Trong lúc đi dọc khu phố mua sắm, bên cạnh việc ngắm các cô gái đẹp thợ rèn còn quan sát các cửa hàng cửa tiệm. Thợ rèn có bắt gặp một cửa hàng nho nhỏ, mà cực kỳ đông khách. Thợ rèn cũng ghé mắt nhòm vào xem thì hoá ra họ đang vẽ tranh chibi, tiếng Nhật họ ghi là 似顔絵. Hoạ sỹ sẽ bắt những đặc điểm trên khuôn mặt, sau đó phác hoạ lại rồi vẽ ra hình trông rất là dễ thương. Rất nhiều người sẽ dừng lại, ghé vào ngồi chừng 10~15 phút là có được một bức tranh coi như phần quà mang về. Ai bước ra khỏi tiệm cũng vui, cũng đều hạnh phúc vì có quà làm kỷ niệm. Bẵng đi mấy năm, hôm rồi thợ rèn tranh thủ xuống Miyajima 宮島 ở Hiroshima để thăm khu đền lịch sử và nổi tiếng. Miyajima là khu đền mà cổng đền nằm ở biển, khi nước triều xuống có thể ra chân cổng đền, khi nước triều lên trông không khác gì một cái đền mọc sừng sững giữa một góc biển xanh mướt.
Năm nay đền đang trùng tu nên thợ rèn không được ngắm cảnh cổng đền Torii khi triều lên, nhưng bù lại đúng vào dịp lá đỏ nên khung cảnh rất là đẹp. Gần đó có một khu bán đồ lưu niệm, thợ rèn cũng đi dọc xem có gì đặc biệt không để còn học lỏm. Khu này có nhiều thứ để học, nhưng có ba tiệm mà thợ rèn phải dừng chân lâu hơn bình thường. Trong đó có hai tiệm bán muỗng gỗ, một tiệm thì bán đũa. Cái muỗng gỗ ở Miyajima là sản phẩm truyền thống của địa phương. Nó giống như cái muỗng xới cơm ở nhà, được làm từ gỗ. Hình thù cũng không có gì đặc biệt lắm. Cơ mà vì đây là sản phẩm truyền thống nên nếu ai đó mua cái muỗng này về làm quà thì người khác sẽ biết là bạn này đã đi Miyajima về, giống như ở Việt Nam đi du lịch, ai mà mua bánh cáy là người ta đoán được đi Thái Bình về, mua bánh đậu xanh là người ta nghĩ đến Hải Dương vậy. Giờ thợ rèn sẽ kể sự khác biệt của từng tiệm, bạn nào mà làm du lịch hay bán đồ ở những khu vực nhiều khách tham quan bên Việt Nam có thể tham khảo, biết đâu sẽ tăng được giá trị cho sản phẩm các bạn nhé.
Tiệm thứ nhất: In ảnh lên muỗng gỗ
Tiệm này bán muỗng gỗ kèm theo dịch vụ in ảnh miễn phí lên cái muỗng. Ảnh in màu và có thể để được rất lâu. Ảnh có thể gửi từ điện thoại, máy ảnh…Thợ rèn để ý có một số bạn chụp ảnh sau đó gửi qua in, có một số bạn khác thì lấy ảnh của người quen, sau đó in ra làm quà mang về tặng. Có những tấm ảnh trưng bày từ năm 2014, đến nay màu sắc vẫn chưa phai, nhìn trông vẫn rất đẹp. Thao tác in ảnh không quá lâu, chừng 5~7 phút là có thể nhận sản phẩm. Cá nhân thợ rèn khi đi du lịch cũng muốn mua đồ mang bản sắc địa phương, và cũng muốn có một dấu ấn gì đó của mình để lại trên đó. Cửa tiệm đã giải quyết được bài toán này. Không chỉ bán muỗng mà còn tạo cơ hội cho khách hàng có thể in ảnh và in lời nhắn lên đó. Cửa hàng đông khách lắm, kể cả khách nước ngoài. Thợ rèn mới chợt nghĩ, ở bên Việt Nam mình, thay vì bán những chiếc áo phông in hình địa phương, những người bán hàng chuẩn bị được máy in, máy ép để khách hàng có thể gửi ảnh và in trực tiếp lên đó thì khả năng sẽ có nhiều người quan tâm tới sản phẩm mà cửa hàng bán hơn.
Tiệm thứ hai: Vẽ tranh chibi lên muỗng
Cách đó chừng mấy chục bước chân, thợ rèn thấy có đôi bạn trẻ, chắc là cặp vợ chồng son đang ngồi trước mặt môt người hoạ sỹ. Người hoạ sỹ này đang ngồi vẽ tranh chibi lên cái muỗng. Giá cho bức tranh và cả cái muỗng là 1500 yên (chừng 300 ngàn). Thợ rèn cũng xem qua những bức tranh mẫu, trông rất chi là đẹp. Thợ rèn mới nhớ ngày xưa khi đi chùa Hương cũng đã ngồi làm mẫu để nhận về bức tranh chân dung (đơn giản), giá khoảng 200 ngàn, và giờ vẫn treo ở nhà. Rồi thợ rèn cũng nhớ khu vực bờ hồ Gươm cũng có những hoạ sỹ ngồi dọc đường vẽ tranh truyền thần cực kỳ công phu và đẹp. Họ là những hoạ sỹ có tay nghề, những bức vẽ có khi phải mất chừng 30~45 phút. Còn những bức vẽ chibi thì các bạn sinh viên mỹ thuật, hay những người ham mê vẽ có thể ngồi ngoáy trong thời gian chừng 5 phút. Thay vì vẽ tranh trên giấy, thì vẽ trên sản phẩm truyền thống của địa phương, ví dụ như nón lá, ví dụ như túi vải… thì vừa bán được đồ vừa bán được cả tiền tranh.
Tiệm thứ ba: Tiệm bán đũa khắc tên
Ngày đi du lịch thợ rèn cũng đang tìm kiếm một món quà chia tay cho môt cô bạn làm cùng bộ phận. Chưa tìm được món quà nào ưng ý và phù hợp với túi tiền, đúng lúc đó thợ rèn gặp được cửa hàng này. Cửa hàng chỉ bán đũa, đủ các loại. Điểm đặc biệt là đôi đũa ở đây rất đẹp, tất cả đều có hộp đựng bao ngoài. Giá thì đa dạng từ 500 yên/đôi ~ 3 vạn yên/đôi. Thợ rèn để ý thấy gian hàng ghi “Khắc tên, khắc lời nhắn miễn phí”, đi kèm là một số hình mẫu. Ôi đẹp quá. Thực sự rất đẹp. Đôi đũa có màu tối, in lên trên đó là màu vàng 金箔 (bột vàng) trông vừa đẹp vừa rất là “sang”. Thợ rèn quyết định mua đôi đũa kèm theo tên của cô bạn, coi như là món quà chia tay. Lúc ra thanh toán, thợ rèn nhờ bạn nhân viên khắc chữ. Đứng bên cạnh thợ rèn để ý thì thấy họ có một cái máy tính kết nối với máy khắc. Máy này sẽ khắc những nội dung được nhập vào, sau đó bạn nhân viên lấy trong cái hộp có bột vàng, bôi bôi quẹt quẹt lên, rồi phủ lên bằng một lớp keo gì đó. Chưa đầy 3 phút, thợ rèn có được đôi đũa có dấu ấn riêng. Những cái máy này, nhìn qua thợ rèn nghĩ bên Trung Quốc họ có bán nhiều, ai khéo léo kết hợp là có thể làm được.
Điểm chung của cả ba cửa hàng trên đó là họ không chỉ bán sản phẩm. Họ tìm cách để tạo ra giá trị gia tăng, tạo điểm riêng cho khách hàng. Một thì cho in ảnh, một vẽ tranh, còn một thì khắc chữ. Những nội dung này về mặt kỹ thuật không khó, nếu ai muốn làm và có một chút vốn đều có thể làm được. Bên Việt Nam mình cũng không ít những nơi có thể làm được việc in hay khắc như thế này, cơ mà là thường làm ở nơi xa với điểm du lịch, không lấy được ngay, vậy nên nếu ở những địa điểm mà có khách tham quan, có thể đầu tư thêm một chút để khách hàng có thể lấy ngay trong thời gian ngắn thì sẽ là một ý tưởng có thể mang lại giá trị cho cả người bán và người mua đúng không các bạn.
#1111- By thợ rèn