Hồi xưa thợ rèn có đi hỗ trợ cho các anh chị bên Việt Nam qua Nhật tìm kiếm khách hàng, nói chuyện với đối tác. Thợ rèn ngoài hỗ trợ về ngôn ngữ, còn phải nhiều trường hợp gỡ rối cho những ứng xử mà hai bên Nhật Việt không ăn ý với nhau. Ví dụ như đang họp bàn hợp đồng, anh chị giám đốc thấy có điện thoại reo thế là ngồi nguyên tại đó nói chuyện một cách rất tự nhiên, mà còn nói to nữa, không quan tâm tới những người xung quanh đang ngồi đợi rất nghiêm túc cho cuộc họp hiện tại. Thợ rèn ngại quá, bảo hiện đang có chuyện gấp nên anh chị đó phải giải quyết ngay, sau đó khéo léo nói chuyện cắt ngang để chờ các anh các chị kết thúc câu chuyện “đã mua được lọ nước hoa hay chưa?”. Rồi có những hôm mọi người đang vui vẻ trong buổi tiệc chiêu đãi, nói chuyện đang rất rôm rả, các anh chị mang chiếc điện thoại ra, lướt lên lướt xuống rồi quay ra hỏi thợ rèn Akihabara (một khu phố bán đồ điện tử nổi tiếng ở Tokyo) mở cửa tới mấy giờ, anh chị muốn qua đó mua ít đồ cho người thân. Nhiều người thiếu sự tế nhị khi làm việc với đối tác nên sau này thợ rèn cũng thấy ái ngại khi phải xử lý những vụ này lắm, nhưng bù lại qua những chuyện đó giúp thợ rèn hiểu hơn được cảm giác của việc lúc nào cũng chăm chăm vào chiếc điện thoại thì thật không nên.
Nhật Bản là quốc gia có thể nói là khá nghiêm khắc về mặt thời gian, bởi vậy mà ngay cả những phương tiện công cộng bên này cũng hiếm khi muộn giờ. Chậm một phút, hay nhanh một phút họ cũng rối rít xin lỗi. Vậy nên ai mà đi tàu, nếu chưa quen đọc chữ hán, đọc tên tiếng Nhật chỉ cần nhìn giờ là biết mình đến ga tàu nào. Nếu tra 9:30 tới ga Tokyo, sau khi lên đúng tàu, thì thay vì nhìn tên Tokyo, chỉ cần nhìn đồng hồ, tới 9:30 thì tự động xuống là không có vấn đề gì. Hệ thống thông tin cũng thông suốt nên mọi người tra giờ tàu cũng rất tiện, chỉ cần bỏ điện thoại bấm tạch tạch một phát là ra luôn. Dù tiện là vậy nhưng thợ rèn có một bí kíp này muốn chia sẻ với các bạn đó là:
Khi đi đâu, làm gì, một khi đã tra tàu hãy ghi chú vào sổ tay.
Làm gì phải phiền vậy, chụp màn hình là xong, hay đến giờ tra một nhát là ra…Rất nhiều ý kiến phản đối. Thợ rèn có thể hiểu, bởi vốn ngày xưa thợ rèn cũng thuộc tuýp người không ghi chú giờ tàu. Nhưng sau này thợ rèn đã triệt để làm việc này, bởi khi ghi chú có những lợi thế như sau:
Thứ nhất, không mất công phải tra lại.
Một số ứng dụng khi tra xong họ vẫn lưu dữ kiện cũ, nhưng một số ứng dụng sẽ cập nhật giờ chúng ta mở ứng dụng, hoặc khi ta tắt ứng dụng khi mở lại thì kết quả tìm kiếm đã bị reset và phải mất công tìm kiếm. Ai đã quen tiếng Nhật, nhớ tên ga thì còn đơn giản, nhưng nếu chẳng may không nhớ thì lại mất công lục lại các thông tin, tin nhắn của bạn bè… để lấy tên ga. Nếu tại thời điểm tra, chịu khó ghi lại trong sổ tay thì ngay lập tức có thể xác nhận được, vừa nhanh vừa đỡ mất công mở điện thoại trong những trường hợp không nên mở điện thoại. Chẳng may lỡ một phút thì thì tàu cũng không đợi rồi đứng ở ga ngồi khóc, ngồi hờn ngồi dỗi bảo có một phút mà tàu cũng không đợi.
Thứ hai, bình tĩnh và có phong thái tự tin hơn.
Khi giao tiếp với khách hàng, với đối tác, việc mở sổ tay là chuyện hết sức bình thường, tuy nhiên việc mở điện thoại đôi lúc lại không phù hợp. Ví dụ khi cuộc họp kết thúc gần sát giờ tàu, giờ lên tàu ra sân bay, nhưng lại đang ngồi trên bàn đàm phán, hoặc khi đi đâu đó xa mà điện thoại chuẩn bị hết pin, hay khó vào mạng không thể tra được thông tin ngay lập tức, vô tình vì một lý do nào đó không thể sử dụng điện thoại chúng ta sẽ dễ bị hoảng. Cá nhân thợ rèn thấy khi mình ghi vào sổ tay là cách làm khiến cho mình thực sự tự tin hơn vì chắc chắn mình đã có phương án backup khi chẳng may có vấn đề với chiếc điện thoại. Với lại khi ghi chép thợ rèn luôn cố gắng chọn thông tin ngắn gọn, chọn thông tin cần thiết nên ngoài việc nắm được tổng thể cả hành trình nên trong quá trình di chuyển khá là thuận lợi để tìm vị trí lên tàu.
Thứ ba, có thể tái sử dụng cho những lần sau.
Nếu chỉ tra cho một chuyến tàu thì việc tìm kiếm thông tin trực tiếp sẽ nhanh hơn, nhưng nếu là những hành trình thường xuyên lặp lại, với nhiều chặng khác nhau thì việc lưu lại thời gian sẽ nhanh và tiện hơn nhiều vì có thể tái sử dụng. Ví dụ dễ thấy nhất đó là việc ghi chú giờ tàu, giờ bus tới công ty và giờ về. Thường thì mọi người sẽ sử dụng những khung giờ gần như cố định vậy nên nếu lưu lại những thông tin này thì hoàn toàn có thể tận dụng cho những lần sau.
Ngày nay ứng dụng số ngày càng phổ biến, đôi khi thợ rèn cũng thấy mình hơi phụ thuộc vào công nghệ. Thay vào phụ thuộc nếu khéo kết hợp giữa công cụ truyền thống và công cụ công nghệ, công việc sẽ nhanh hơn, tiện lợi hơn. Hi vọng các bạn cũng thử dùng cách làm trên để trải nghiệm sự tiện lợi của việc ghi chú bằng tay trong việc lên lịch trình các bạn nhé.
#069- By Thợ rèn