Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi những sự lựa chọn. Ngay lúc này, thợ rèn quyết định ngồi đây viết bài này hay bước ra ngoài trải nghiệm những điều mới mẻ, đó cũng là lựa chọn. Nếu lấy lựa chọn làm chủ đề, thợ rèn cho rằng chúng ta bên cạnh có quyền lựa chọn thì đôi lúc chúng ta cũng ở thế bị chọn. Có một điểm khác biệt giữa hai tâm thế này đó là độ mạnh của ý thức. Khi ta ở thế BỊ CHỌN ta thường ý thức về điều này nhiều hơn, nhưng khi ta ở thế có quyền lựa chọn thì ta lại không mấy khi để tâm tới.
Trước hết là về việc bị chọn, thợ rèn nhớ về những câu chuyện của ngày xửa ngày xưa. Việc bị chọn đầu tiên khiến thợ rèn nghĩ có thể đó là thi đại học, những chuyện cũ hơn chắc thợ rèn không có nhớ nổi hoặc có nhớ cũng không nhiều ấn tượng. Rời trường cấp 3, việc đi thi đại học có ý nghĩa quan trọng. Nó giống như cánh cửa đầu tiên để bước vào đời. Ngày đó, ai mà thi đậu đại học lớn thì mọi người sẽ cho rằng cơ hội nhận được một công việc tốt, sau này sống một cuộc đời an bổng, đó là suy nghĩ của rất nhiều người, và bố mẹ thợ rèn, thợ rèn cũng từng có suy nghĩ như vậy. Thợ rèn có thể chọn trường mình có nguyện vọng vào, còn việc có vào được trường đại học hay không quyền quyết định ở phía trường đại học. Thợ rèn phải vượt qua kỳ thi và những tiêu chuẩn của phía trường đại học đặt ra thì thợ rèn mới có thể bước chân vào. Thợ rèn đã chăm chỉ học để có thể đậu. Để được lựa chọn, thợ rèn đã cố gắng trong suốt ba năm học cấp ba, thậm chí nhiều hơn thế. Đến trước khi nhận kết quả thi và thông báo đỗ thợ rèn vẫn hồi hộp và lo lắng. Vậy mới biết khi bị chọn ta ở trong tâm thế lo sợ như thế nào.
Việc bị chọn thứ hai mà thợ rèn nhớ đó chính là việc đăng ký xin học bổng khi học đại học và cao học tại Nhật. Thợ rèn đi du học tư phí nên về cơ bản tự trang trải tiền học phí và sinh hoạt. Thợ rèn cũng muốn có thời gian nhiều hơn tập trung cho học tập và nghiên cứu nên có đăng ký xin học bổng, rồi đăng ký xin miễn giảm học phí. Ơn trời, trường thợ rèn dành nhiều ưu ái cho du học sinh, và thợ rèn cũng được hưởng những ân huệ đó nên các năm học đóng nhiều nhất là 50% học phí, còn thường thì trường miễn cho 100%. Học bổng cũng vậy, thợ rèn nhận nguyên từ năm nhất cho tới hết cao học. Nhưng trước đó thợ rèn phải đi XIN. Việc xin học bổng là một ví dụ về việc bị chọn. Thợ rèn cũng hồi hộp và lo lắng, cũng suy nghĩ nếu không nhận được học bổng thì sẽ phải đi làm thêm nhiều hơn rồi sẽ phải tính đến các phương án ABC, XYZ…và để đạt được mục tiêu là ĐƯỢC CHỌN thợ rèn đã ý thức rất nhiều về việc này, để sao có thể đạt được kết quả tốt trong kỳ thi du học Nhật Bản, lấy kết quả cao trong kỳ thi năng lực Nhật ngữ, phải đạt được kết quả cao trong các năm học đại học, không cúp học để đi chơi…Nỗi sợ và lo lắng khi ở tâm thế BỊ CHỌN xét ở khía cạnh nào đó, nó trở thành động lực để ta cố gắng, mà khi ta ĐƯỢC CHỌN thì ta coi như mình đã đạt được một mục tiêu.
Ấy vậy mà nhiều khi thợ rèn quên mất, mình cũng có trong tay quyền lựa chọn, ở thời khắc này và nhiều khoảnh khắc khác. Khi mình có trong tay quyền lựa chọn thường ta lại không có để tâm tới nó. Phải chăng vì quyền lựa chọn này nó không ảnh hưởng ngay lập tức? hay là vì khi ta ở thế chủ động ta ít thấy áp lực hơn? Việc quyết định ta sẽ làm gì, ta không làm gì thợ rèn nghĩ là rất rộng, mà nói về vấn đề này khó có thể đi tới những nội dung mang tính phổ biến, nên trong bài này thợ rèn chỉ gom lại hai quyền lựa chọn có sức mạnh vô cùng lớn mà mỗi chúng ta đều có và chúng hiện nguyên hình dưới dạng là những thứ ta có thể cầm nắm được. Hai thứ đó là LÁ PHIẾU BẦU và TIỀN.
Trước hết nói về lá phiếu bầu, đó là quyền bầu cử. Việt Nam không giống như Nhật, đó là lựa chọn một đảng từ nhiều đảng nên ở khía cạnh nào đó phạm vi lựa chọn có thể hẹp hơn, cơ mà cũng không thể phủ nhận, chọn người hay chọn thể chế bằng cách nào đó chúng ta đang gián tiếp thay đổi xã hội. Lấy tiền đề là sự minh bạch, một lá phiếu có thể có giá trị nhỏ, nhưng tổng hoà của nhiều lá phiếu có thể mang lại sức mạnh to lớn, bằng cách nào đó chúng ta đang gián tiếp thay đổi môi trường xung quanh.
Thứ hai đó chính là tiền. Thợ rèn thích cái này hơn vì nó gần gũi và ta có thể quyết định hàng ngày. Không có tiền thì thôi, chứ một khi có tiền trong tay, tiền dùng vào việc gì, dùng cho ai về cơ bản đó là quyền quyết định của ta. Khi xã hội được vận hành mà trong đó tiền là công cụ trung gian để quy đổi giá trị thì việc ta có tiền trong tay không khác gì ta đang nắm trong tay quyền quyết định một vấn đề nào đó. Ví dụ ta tin tưởng và muốn xã hội phát triển tốt hướng theo những thứ thân thiện với môi trường, có đóng góp với xã hội thì ta có thể dùng tiền đổi lấy dịch vụ hoặc sản phẩm của những doanh nghiệp có thể giúp ta làm được việc đó. Ví dụ khi ta muốn xã hội đi theo hướng thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ thì ta có thể chi tiền mua các sản phẩm, dịch vụ có nguồn gốc hữu cơ, hạn chế dần những sản phẩm sử dụng hoá chất. Khi ta muốn sản xuất trong nước phát triển, ta có thể ưu tiên dành tiền mua ủng hộ các doanh nghiệp nội địa, cũng giống như cách mà Trung Quốc và Hàn Quốc họ đã từng làm trong quá khứ. Khi ta lên án vấn nạn xã hội như trộm chó, thì ta có thể bắt đầu ngay từ việc không bỏ tiền đi ăn tại các quán thịt chó.
Một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân, nhưng nhiều cánh én nhỏ có thể mang mùa xuân về. Khi suy nghĩ về các vấn đề vĩ mô, đôi khi chúng ta thường nghĩ đó là vấn đề của người khác, trong khi chúng ta là một nhịp đập trong đó. Bữa thợ rèn xem chương trình của Nikkei, tại đó có diễn giả là ông Murao đã có bài nói chuyện về quyền quyết định qua việc tiêu tiền đối với các em học sinh cấp 3 của Nhật. Ông hỏi có bao nhiêu người nghĩ ngày mai của Nhật sẽ tốt hơn ngày hôm nay? Có khoảng 70% các em giơ tay là có. Nhưng thợ rèn quan tâm tới ý kiến của 30% số các em còn lại. Có một em nói rằng, em không giơ tay vì cảm thấy không đủ trách nhiệm làm cho Nhật Bản tốt hơn. Em học sinh chia sẻ rất thật và thợ rèn cũng có thể đồng cảm. Những chuyện vĩ mô và xa vời với những hành động mà ta có thể thực hiện vô hình trở thành khoảng cách khiến ta nghĩ rằng nó không liên quan tới chúng ta, nhưng thực tế mọi thứ lại có móc nối với nhau và được vận hành một cách hết sức nhịp nhàng, khi ta ở trong hệ sinh thái đó, mọi hành động của ta đều có tác động tới xung quanh và ngược lại, chỉ cần ta nhận thức về điều đó nhiều hơn mọi thứ sẽ có sự thay đổi.
Từ mai thợ rèn sẽ không ngồi chê hàng Việt Nam chất lượng kém, kêu rác nhựa phủ khắp đường phố, kêu đồ ăn nhiễm toàn hoá chất, kêu trộm chó là vấn nạn xã hội, mà thợ rèn sẽ tìm ra những món hàng Việt Nam chất lượng cao, sẽ mua hàng của những công ty mà thợ rèn mong muốn ủng hộ, bữa ra siêu thị nếu thấy quả thanh long Việt bày bên quả sầu riêng Thái, quả bơ Mexico, chuối Philipines, thợ rèn sẽ mua thanh long Việt mà không ngồi lẩm bẩm kêu mắc nữa…
#0- By Thợ rèn