Người Nhật truyền thống. Không sai, họ coi trọng mối quan hệ hàng dọc, đặc biệt là mối quan hệ đó trong công việc. Khách sẽ được ưu tiên, còn trong nội bộ công ty đương nhiên sếp sẽ được ưu tiên hơn. Sự phân hoá theo hàng dọc này không tới mức khắt khe như Hàn Quốc, nhưng nhìn chung thợ rèn nghĩ Nhật vẫn theo phong cách truyền thống và có phần bảo thủ hơn nhiều quốc gia châu Á khác. Khi làm việc với người Nhật, hay làm việc trong công ty Nhật biết được tác phong business (business manner) thợ rèn nghĩ sẽ không thiệt. Bài lần này, thợ rèn sẽ chia sẻ nội dung liên quan tới ghế ngồi, đâu là ghế trên (上座) đâu là ghế dưới (下座 ).
Bữa thợ rèn đi công tác nghiệm thu máy. Thợ rèn phụ trách phần cơ khí, đi cùng một đàn anh trong công ty phụ trách phần điện. Vì công ty thợ rèn là phía mua máy, nên có thể tạm hiểu là khách hàng trong giao dịch này. Phía công ty đối tác có một người phụ trách kinh doanh đón tiếp và hỗ trợ thợ rèn trong thời gian nghiệm thu máy. Trong chuyến công tác, có hai cảnh bên lề ngoài công việc mà thợ rèn nghĩ lẽ ra mình đã có thể làm tốt hơn, một là lúc lên taxi hai là lúc ngồi vào bàn tiệc.
Buổi tối hôm đầu tiên, thợ rèn có đi ăn với đối tác. Xe taxi được hẹn lúc 6:30. Thợ rèn và sempai sau khi làm xong thủ tục check in và sắp xếp hành lý, cả hai xuống dưới sảnh. Anh bạn kinh doanh của công ty đối tác đã đợi sẵn, mời thợ rèn và sempai (tiền bối) lên xe để đi tới địa điểm đã được đặt trước. Cửa taxi tự động mở. Thợ rèn lúc đó đứng gần xe hơn, theo phản xạ thợ rèn đã leo lên xe trước. Trong trường hợp này thợ rèn đã mắc một lỗi đó là đã ngồi ở vị trí ghế trên, lẽ ra theo thứ tự thì thợ rèn nên dành ghế đó cho sempai mới đúng.
Khi ngồi taxi có thứ tự ưu tiên như sau:
- Ghế phía sau lái xe
- Ghế chéo với lái xe
- Ghế bên cạnh lái xe (trợ lái)
Ghế phía sau người lái xe thông thường sẽ thoáng hơn, an toàn hơn, và đối tác thường sẽ ngồi ở ghế trợ lái nên câu chuyện trao đổi sẽ dễ hơn. Khi di chuyển bằng taxi, ai lanh thì sẽ biết ai là người nên ngồi chỗ nào và khéo léo để sắp xếp sao cho hợp lý. Sự sắp xếp đó càng tự nhiên thì càng thể hiện được kỹ năng về tác phong khi làm việc. Giả sử trường hợp của thợ rèn kể trên, nếu thợ rèn khéo hơn thì khi cửa taxi mở ra, thợ rèn nên lùi lại một bước, mời sempai lên trước, sau đó đến lượt thợ rèn thì sẽ là đẹp nhất. Thợ rèn cũng có đọc về business manner cơ mà không có nhớ chính xác, và khi nhớ ra thì đã ngồi vào xe mất rồi, nên không kịp đổi chỗ. Cơ mà lúc ra về, dù có uống no bia, thợ rèn đã kịp rút kinh nghiệm và sửa lại thứ tự khi ngồi xe!!!
Liên quan tới thứ tự ngồi xe, nếu là xe công ty và người lái xe là đối tác thì thứ tự thay đổi như sau:
- Ghế bên cạnh lái xe (trợ lái)
- Ghế sau lái xe
- Ghế chéo với lái xe.
Ngày hôm sau, thợ rèn lại đi ăn tối cùng với hai bạn khác cùng công ty thợ rèn, còn phía đối tác có 2 người. Phòng ăn được đặt trên lầu 2, phòng đặt riêng. Phía công ty thợ rèn có 3 người, trong đó có một người đã đứng tuổi nhưng khá là sôi nổi, còn một bạn khác còn khá trẻ, thợ rèn thì xét về tuổi và kinh nghiệm thứ bậc thì cũng nằm ở khúc giữa. Hai người công ty thợ rèn ngồi vào bàn trước, và ngồi vào ghế dưới (下座). Thợ rèn đi sau và nghe thấy anh bạn kinh doanh nói nhẹ 参った , có nghĩa là thôi xong rồi!!! Lẽ ra phía đối tác phải dẫn khách vào và mời ngồi ghế trên, chứ khách mà ngồi vào ghế dưới thì mình ngồi ghế trên tính ra không có phải. Vì trên bàn nhậu, không phải bàn đàm phán nên không tới mức phải mời khách đứng dậy và chuyển chỗ ngồi. Trước sự bối rối của hai anh bạn kia, thợ rèn vào ngồi ghế trên để chữa cháy cho họ và thấy hai anh bạn thở phào nhẹ nhõm. Trên bàn tiệc, hoặc trên bàn đàm phán ghế trên và ghế dưới cũng được sắp xếp. Thứ tự thường là như sau:
- Ghế càng phía trong cùng thì càng là ghế trên, ghế phía ngoài là ghế dưới
- Ghế nhìn ra cửa là ghế trên, ghế nhìn vào trong là ghế dưới
Trong kinh doanh, mỗi quốc gia đều có văn hoá riêng, mình ở đâu thì theo đó, tôn trọng họ thì họ tôn trọng lại mình. Cũng có những trường hợp mình không biết thì họ cũng không có bắt bẻ, cơ mà nếu làm việc với người Nhật nhiều, việc biết và khéo léo trong những chuyện nho nhỏ như trên thợ rèn nghĩ sẽ tạo được ấn tượng tốt hơn với đối tác. Ngoài ra, các bạn cũng có thể tìm hiểu thêm bằng cách mua các cuốn sách về business manner, và quan trọng hơn là áp dụng qua mỗi lần trải nghiệm để sao cho cách chúng ta hành xử diễn ra một cách thật tự nhiên mà vẫn đúng phong cách các bạn nhé.
#0- By thợ rèn