Nhật là quốc gia có nhiều thiên tai. Động đất có, bão lụt có, sóng thần cũng có luôn. Sau mỗi thảm hoạ, người ta lại tung hô về sự bình tĩnh và cách họ đối ứng với thảm hoạ. Nhưng một điều không thể thay đổi đó chính là những thiệt hại về người và vật chất. Các bạn đã từng có kinh nghiệm làm với Nhật, đặc biệt những công ty tầm trung đổ lên sẽ thấy họ rất coi trọng an toàn. Bản thân công ty thợ rèn khẩu hiệu đầu tiên là “An toàn là trên hết”. Khẩu hiệu được hô vào mỗi cuộc họp, khẩu hiệu được nhắc tới trước mỗi bài phát biểu dù là bài phát biểu quan trọng hay cho tới những cuộc họp nhỏ của hai người trong nhóm. Lâu dần nó sẽ trở thành văn hoá. Bản thân thợ rèn cũng chẳng biết tự bao giờ đã bị nhiễm thói quen, trước khi qua đường dừng lại, chỉ tay bên trái Ok, bên phải Ok rồi mới bước. Những gì thợ rèn viết ở trên có thể với nhiều người sẽ là sự phiền toái, thợ rèn hồi mới vào công ty cũng từng nghĩ như vậy. Nhưng sau nhiều năm làm việc tại đây, thợ rèn mới cảm nhận được công ty thực sự ưu tiên sự an toàn chứ không chỉ dừng ở việc hô khẩu hiệu.
Thời gian đầu vào công ty, thợ rèn có thời gian thực tập tại Osaka trước khi được phân về các cứ điểm. Thời gian đó, thợ rèn ở ký túc xá. Bữa trời xập xoạng thợ rèn ra ngoài để mua chút đồ. Thợ rèn vừa đi vừa huýt sáo như thói quen hồi còn ở Việt Nam. Thế rồi giật mình, thợ rèn rơi cái bụp xuống rãnh nước bên mép đường. Rãnh nước sâu tầm tới hông, nước thì chỉ tới chừng lưng đầu gối. Trước thợ rèn có học karate, nên khi bị ngã, theo phản xạ, xoay mình tiếp đất nên cũng may không bị thương nhưng bùn và nước bắn lên bẩn hết người. Chuyện được ai đó gọi điện báo lên công ty thế là sáng hôm sau, trong phần safety talk đầu giờ, thợ rèn được mời lên kể lại câu chuyện. Thế là ngay tuần hôm sau, một hàng rào tạm cao chừng 1 m, dài chừng 30m bao quanh mép đường được lập nên. Thợ rèn nhớ khoảng hơn một năm sau, khi có dịp quay lại trong một buổi đào tạo khác, thợ rèn thấy hàng rào đã được thay thế bằng một hàng rào khác chắc chắn với màu sơn rất đẹp. Ký túc xá được xây hơn 20 năm, chưa ai bị ngã, nhờ cú ngã của thợ rèn mà hàng rào an toàn đã được lập nên. Nay, mỗi khi quay lại ký túc, thợ rèn lại thấy vui vì mình đã trở thành khởi nguồn cho hàng rào đó.
Bây giờ mỗi khi công tác xa, đặc biệt khi đến những địa điểm mới thợ rèn luôn lưu ý phải xác nhận một địa điểm, ngoài nhà vệ sinh. Đó chính là cầu thang và cửa thoát hiểm. Ngày nay nhiều nhà cao tầng mọc lên. Những toà nhà cao 5 tầng đổ lên thông thường sẽ có thang máy. Khi đi công tác và nghỉ tại những khách sạn cao tầng, khoảng tầng 10 đổ lên, thợ rèn nghĩ rất ít người nghĩ tới việc leo cầu thang bộ. Nhưng như một thói quen, thợ rèn sẽ tìm xem hình ảnh thoát hiểm và xác nhận xem cầu thang ở hướng nào. Thợ rèn cũng không có đi cầu thang, nhưng việc xác nhận trước thì vẫn thực hiện như một thủ tục.
Không chỉ nhà cao tầng mà ngay cả khi đi các phương tiện công cộng. Nếu bạn nào đi xe buýt sẽ thấy ở phía sau sẽ có một cửa thoát hiểm. Cửa thoát hiểm này nếu hiện đại sẽ có cơ cấu để có thể mở dễ dàng khi có chuyện xảy ra, hoặc cạnh đó sẽ có dụng cụ và thường là cái búa để phá cửa. Rồi lúc đi tàu điện, tàu shinkansen cũng vậy, đây là thói quen mà thợ rèn không quên kiểm tra trước khi làm bất kể việc gì. Hồi tháng 10, tháng 11 Nhật xôn xao với nhiều vụ tấn công trên tàu điện, tàu dừng khẩn cấp, mọi người nháo nhác, những ai bình tĩnh hơn họ tìm được cửa thoát hiểm và tìm cách để thoát ra ngoài. Chúng ta không mong có chuyện xảy ra, nhưng nếu có sự chuẩn bị thì khi có chuyện xảy ra, chúng ta sẽ bình tĩnh hơn để xử lý. Vậy nên, thợ rèn mong rằng nếu các bạn đã đọc được tới dòng này, hãy dành ra một chút thời gian khi tới những địa điểm mới để xác nhận lối thoát hiểm để chẳng may khi có sự việc xảy ra sẽ không hoảng loạn và sẵn sàng bình tĩnh để thoát nạn nhé.
#0- Thợ rèn