Bạn nào ở Nhật thì có thể đã từng biết tới Isẹingu 伊勢神宮 nằm ở tỉnh Mie giáp với thành phố Nagoya miền trung Nhật Bản. Chuyện về các ngôi đền Nhật Bản (神社) thì có nhiều, nhưng bữa nay thợ rèn muốn giới thiệu câu chuyện kế thừa qua nghi thức của ngôi đền 2000 năm tuổi này.
Ngôi đến có nội cung(内宮), ngoại cung(外宮), 14 biêt cung(別宮), 43 sesha(摂社), 24 matsha(末社), 42 shokansha(所管社), tổng cộng gom lại gồm một quần thể 125 ngôi đền lớn nhỏ. Từ hơn 1300 năm trước kia, tức bắt đầu từ năm 690 thuộc thời kỳ Asuka (飛鳥時代) tại đây bắt đầu một nghi thức mà sau này người đời phải thán phục con mắt nhìn xa trông rộng của người Nhật. Nghi thức có tên là Shikinen Senguu 式年遷宮, dịch tạm qua tiếng Việt thì gọi là nghi lễ đổi đền.
Như tấm ảnh phía dưới, ngôi đền này có hai mảnh đất, một mảnh nằm phía đông, một mảnh nằm phía tây. Hai mảnh đất có diện tích giống hệt nhau, trên đó có ngôi đền cũng giống hệt nhau, chỉ khác là ngôi đền một bên thì mới, còn một bên thì cũ. Trong hình, phía bên trái là ngôi đền mới, còn phía bên phải là ngôi đền cũ. Người Nhật quan niệm các vị thần sẽ trú ngụ tại đây, và cứ sau 20 năm họ lại tiến hành cho xây lại ngôi đền xây xong thì làm nghi thức chuyển đền. Chu kỳ thực hiện là 20 năm một lần. Lần gần đây nhất là năm 2013, là lần thứ 62, lần tiếp theo dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2033.
Chuyện xây mới ngôi đền tưởng không có gì đặc biệt, nhưng thợ rèn xin chia sẻ sơ qua những điểm sau để các bạn thấy được sự đặc biệt của sự kiện này.
Thứ nhất về thời gian thực hiện. Như chia sẻ ở trên, nghi thức chuyển đền này đã được thực hiện cách đây hơn 1300 năm, và gần như không bị gián đoạn. Tuổi thọ của con người tính dôi ra thì là 80 tuổi, tức được 4 lần đổi đền, chia đều ra thì nghi thức này đã qua được 15 đời người. Một nghi thức được kế tục qua thời gian dài như vậy chứng tỏ những người tin vào thần đạo, những người duy trì nếp sống văn hoá này có một sự kiên trì và bền bỉ vô cùng lớn.
Thứ hai là cách chỉ định lấy gỗ xây đền. Nghi thức này là làm mới ngôi đền, nhưng phong cách kiến trúc cổ xưa nhất của người Nhật vẫn được giữ nguyên. Phong cách kiến trúc cổ này có tên là Yuitsushinmei Zukuri 唯一神明造 , dịch theo nguyên văn tiếng Hán thì là Duy nhất thần minh tạo. Phong cách kiến trúc này có yêu chặt chẽ về loại gỗ sử dụng, cách dùng cột, cách xây nền, cách làm mái. Thợ rèn cũng không có nhớ hết, chỉ có ấn tượng một điều là khi xây đền họ có để lại một bản đồ, nơi đó chỉ rõ lần tiếp theo sẽ tới khu rừng nào, đốn cây gỗ hinoki (một loại gỗ quý thuộc họ thông) nào, và cây đó sẽ được dùng vào phần nào của ngôi đền. Sự rõ ràng rành mạch như thế này, vừa cho thấy sự tính toán kỹ lưỡng, vừa cho thấy con mắt nhìn xa trông rộng của người Nhật. Hinoki là loại gỗ tốt, có mùi thơm hương trầm, sâu bọ thì sợ gỗ này nên về cơ bản thì rất bền. Vậy mà 20 năm đổi một lần thì gỗ đó chẳng phải là phí sao? Không phí, vì đền Isejingu có cách làm tái sử dụng những phần gỗ cũ. Cái nào dùng được họ sẽ đẽo gọt đi dùng cho những cột có đường kính nhỏ hơn, hoặc chuyển qua làm cổng đền (鳥居 ) cho những ngôi đền khác. Họ còn chuyển những cây gỗ đã qua thời hạn này tới các ngôi đền khác trên cả nước.
Thứ ba là cách họ kế thừa kỹ thuật. Trước khi tới thời điểm làm nghi lễ đổi đền, chuyển nhà cho thần chừng 5 năm, họ bắt đầu chuẩn bị gỗ. Sau khi chuyển đền Chính cung, bước tiếp theo sẽ là chuyển đền Biệt cung, họ tuyển 160 người thợ trên khắp cả nước để làm việc này. Họ quy tụ về đây là cùng nhau làm việc chăm chỉ để hoàn thành ngôi đền mới. Sau khi hoàn thành việc chuyển đền Biệt cung, họ chọn ra 30 người trẻ hoặc những người có tay nghề xuất sắc ở lại, làm việc tại đền bảo trì, sửa chữa và thay mới cho Sesha, Matsha là những ngôi đền con nhỏ hơn trong quần thể. Ngoài 30 người này, số còn lại sẽ giải tán. 15 năm sau họ lại bắt đầu một chu kỳ mới, và 30 người này sẽ trở thành những người thầy truyền nghề lại cho những thế hệ tiếp theo. Điều đặc biệt, là một ngôi đền lớn có vai trò lớn trong nghi thức tôn giáo của Nhật nhưng họ không chỉ tuyển những người có tay nghề cao, họ tuyển những người thợ mộc bình thường, rồi sau đó đào tạo để nâng cao tay nghề và trở thành người kế tục.
Ngôi đền Isejingu đã hơn 2000 năm tuổi, nghi thức chuyển đền đã hơn 1300 năm, họ nhìn trước thời kỳ chuyển mới để có khâu chuẩn bị từ nguyên vật liệu tới chuẩn bị nguồn nhân lực. Vì vậy ngôi đền qua bao nhiêu thập kỷ đi chăng nữa vẫn luôn tươi tắn trong bộ áo mới, và thế hệ sau vẫn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc Nhật cổ xưa nhất theo cách hiện đại nhất. Nhìn từ ngôi đền có thể học được về cách lập kế hoạch, cách đào tạo con người, cách chọn người kế tục, và hơn cả đó chính là cách bảo tồn văn hoá. Người Nhật ngày nay và cả những nền văn hoá khác vẫn có thể học cách người Nhật đã làm từ 1300 năm trước, thợ rèn tin là như vậy vì thành quả họ làm đã được thời gian minh chứng.
Thợ rèn đã tới ngôi đền này 2 lần. Một lần vào dịp đầu năm mới và một lần vào dịp mùa hè. Lần nào cũng vậy, thợ rèn luôn cảm nhận được khu vực này có một nguồn năng lượng đặc biệt gì đó mà khó có thể miêu tả. Nếu bạn đang sống tại Nhật hãy thử một lần đặt chân tới đây để trải nghiệm và cảm nhận vẻ đẹp trường tồn theo thời gian của Isejingu nhé.
# 0- By Thợ rèn