Thợ rèn qua Nhật từ khi còn tuổi đôi mươi. Do không có tiền nên cơm nước đều tự nấu. Vậy nên việc rửa bát, rửa chén là chuyện hàng ngày. Việc rửa chén, rửa bát thì chẳng phải chuyện lạ, nhưng cách rửa chén, rửa bát thì mỗi người mỗi kiểu. Hồi còn là sinh viên, có những dịp mọi người cùng nhau mừng năm mới, có những dịp tổ chức đón kohai (các em khoá dưới), có những dịp tổ chức sinh nhật… những lúc như vậy mọi người thường tổ chức nấu nướng ăn mặn. Thợ rèn vốn có tính hay dòm ngó, ai có gì hay là mình phải lượm mình học, ai mà không hay thì bỏ đi không thèm nhìn. Có lần qua nhà anh A ăn tiệc, anh A chuyên làm ở quán, nấu ngon thật ngon, đồ bày ra cũng đẹp mắt nữa, nhưng mỗi tội ở khu bồn rửa rất không gọn gàng. Bao giờ cũng vậy bao nhiêu thứ được gom hết vào khu đó. Cái bát vừa dùng để trộn thịt băm để cuốn nem vẫn còn dính thịt, cái đĩa sành còn nguyên mấy sợi cà rốt thái chỉ, đũa bát để ngổn ngang, mỗi thứ phải dính một thứ trông giống như cảnh bát đũa lấm lem trong quảng cáo sunlight. Nhà bên Nhật thì nhỏ, trừ những ai thuê được cái nhà to chứ không cái bồn rửa bát cũng bé tí ti. Những ai mà để đồ như anh A thì chỉ rửa được một nửa số bát là có khi bồn rửa sẽ tắc. Thợ rèn tính lấy nước tráng qua một lượt rồi dùng nước rửa bát, nhưng anh A xua tay đi rồi bảo sao thợ rèn phải tiết kiệm thế, lấy nước rửa bát quệt qua một lượt có phải nhanh không.
Ngày xưa ở nhà, cái hồi mà nước rửa bát còn đắt, hôm nào mà ăn cơm có món dính mỡ là buổi tối phải hâm nước nóng để rửa. Nước rửa bát là phải dùng như kiểu thơm ngon tới giọt cuối cùng chứ không được lãng phí. Hôm nào mà dùng sunlight, bố thợ rèn thường khuyên thợ rèn phải tráng qua một lượt, rửa cho sạch bớt rồi mới dùng tới lớp nước có nước rửa bát. Thợ rèn nghe lời bố, và chỉ với một lượng ít nước rửa bát vẫn có thể làm sạch được đống bát đĩa lớn. Đám ma đám cưới ở quê, mọi người thường tự nấu nướng tự rửa bát chứ không có quen với việc đi nhà hàng, vì nhà hàng vừa đắt mà lại không được gói đồ mang về. Bữa nào trong họ có đám, mọi người thích rủ thợ rèn đi rửa bát lắm, vì thợ rèn vừa dễ thương vừa biết cách dùng ít nước rửa bát mà bát vẫn sạch.
Bữa thợ rèn đi lên Osaka để học. Công ty bảo không cần ở khách sạn, vào trong ký túc công ty, nhà ở miễn phí, cơm có người nấu cho ăn. Thợ rèn thấy hợp lý nên cả tuần chui vào ký túc xá ở. Ăn cơm xong lúc mang khay ra khu vực rửa bát thợ rèn mới để ý, trước cái bồn rửa bát có một khu để mọi người bỏ đồ ăn thừa, sau đó là có một cái vòi nước nhỏ để tráng qua, bên trong là một cái bồn to và rộng đủ để chứa cùng một lúc mấy chục khay bát đũa. Trong bếp thì chỉ có một cô tuổi trung niên, lúc thì chuẩn bị đồ ăn, lúc nào rảnh thì chạy qua rửa bát đũa. Lúc nào bận thì mới có người vào phụ, còn về cơ bản một mình cô quán xuyến được hết. Một nhà ăn như thế này phục vụ cho khoảng 50~60 người. Mọi người không ăn cùng lúc, nhưng một cô làm bếp mà phục vụ cho đủ bấy nhiêu người thì thực sự cũng rất xuất sắc. Nhìn cách bài trí khu vực lọc đồ ăn thừa và vòi nước tráng sơ qua thợ rèn mới nghĩ về cái nguyên tắc mà bố thợ rèn vẫn nhắc nhở, nguyên tắc "tráng đi rồi hãy rửa".
Tráng đi rồi hãy rửa có rất nhiều lợi ích. Thứ nhất giúp phân tách được đồ ăn thừa nên không làm bẩn đục cái bồn nước lớn, qua đó gián tiếp tiết kiệm nước. Thứ hai, việc tráng qua nước là việc mỗi người có thể làm trong tích tắc, nhưng sẽ giúp cô làm bếp tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Giả sử một người tráng qua số bát đũa của mình hết chừng 10s, 50 người sẽ là 500s, còn 3,000 người như trong nhà ăn công ty thợ rèn thì sẽ tiết kiệm được 30,000s tức tương đương với 500 phút tức chừng 8h 20 phút cho một công lao động.
Chuyện tráng đi rồi hãy rửa khi sống ở Nhật thợ rèn còn thấy ở nhiều nơi nữa. Điển hình nhất đó chính là onsen tức suối nước nóng, hoặc sento - nhà tắm công cộng (giống như onsen nhưng thường là bồn tắm nhân tạo). Trước khi vào bồn tắm là nơi có nước nóng tức nơi có giá trị cao hơn mà mọi người cùng trải nghiệm, mỗi người sẽ phải tự tắm gội thật sạch sẽ bên ngoài trước, gội bỏ hết những bùn những ghét, rồi mới bước vào. Không ai mà đùng một phát là đi vào onsen ngay.
Câu chuyện này thực ra không có gì quá đặc biệt, nhưng có một điều theo trải nghiệm của thợ rèn thì thấy rằng nhiều người Nhật làm được việc này một cách rất tự nhiên còn nói quá lên một chút thì nó như một thói quen. Nhưng nếu nhìn qua những mâm cỗ ở quê thợ rèn vẫn thấy mọi thứ được đổ đầy đủ vào trong một cái chậu lớn, mọi người tắm giặt trên một dòng sông, vẫn rất nhiều người giặt giũ tại một con mương, nước từ đầu nguồn tới cuối nguồn, ai giặt được trước thì được nước sạch ai giặt sau thì chịu nước bẩn hơn. Câu chuyện về anh A ở đầu câu chuyện cũng không phải ngoại lê. Chuyện nhỏ nhưng làm được hợp lý, làm hợp lý rồi chuyển được thành thói quen, sau khi chuyển thành thói quen, biến nó thành một nét đẹp tự nhiên thì sẽ tạo ra một thứ gì đó mà thợ rèn chưa tìm được từ để miêu tả, chỉ biết nó là một thứ gì đó rất sạch và đẹp.
#0- Thợ rèn