Tốc độ quyết định tỷ lệ thuận với 4 thứ sau: Thứ nhất là tiền, tức khả năng tài chính. Thứ hai là kỹ thuật hay kỹ năng để giải quyết và xử lý vấn đề. Thứ ba là kinh nghiệm đã kinh qua những trải nghiệm tương tự hoặc những câu chuyện hoàn toàn giống như thế. Và thứ tư chính là mối quan hệ có thể trông cậy được. Để có thể ra được quyết định nhanh, không có cách nào khác, ta phải tìm cách để nâng cao 4 thứ này.
Thợ rèn sẽ chia sẻ một số câu chuyện liên quan tới bốn thứ này để minh hoạ cho vấn đề về tốc độ quyết định.
Thứ nhất là tiền. Cái này thợ rèn nghĩ ai cũng đã từng trải nghiệm. Ngày trước khi mới qua Nhật, tiền chưa có, mỗi lần từ Nagoya để quay trở về Tokyo, thợ rèn đứng trước 3 lựa chọn: Lựa chọn thứ nhất là đi tàu nhanh shinkansen, khoảng chừng 2 tiếng, tính ra tiền Việt thì giá vào khoảng tầm 2 triệu. Lựa chọn thứ 2 là đi bus đêm, xuất phát vào lúc nửa đêm và tới Tokyo vào sáng sớm, giá thì còn bằng 1/3, thậm chí nếu khéo tìm vé và chịu khó ngồi chật một chút thì chỉ khoảng 400 ngàn là có thể đi được. Còn một lựa chọn nữa, đó là đi tàu điện, khoảng 6 tiếng, đổi tàu chừng 4-5 lần, có thể linh động thời gian, và chi phí thì cũng khoảng trên dưới 1 triệu. Lúc bấy giờ, thợ rèn còn là học sinh, chưa làm ra tiền, nên mỗi việc quyết định thôi cũng phải đắn đo lắm. Dù có đắn đo đi chăng nữa thì thường quyết định cuối cùng vẫn là chọn đi bus đêm. Còn ngày nay thì khác, khi mà thu nhập tốt hơn, thời gian và sự thoải mái về tinh thần được ưu tiên hơn thì gần như thợ rèn không còn đắn đo nhiều nữa, mà gần như có thể chọn luôn được đi tàu shinkansen. Khi dư dả về tài chính, việc đắn đo cân nhắc sẽ không còn phải là yếu tố chi phối nữa, và thực sự chúng ta luôn cần phải cố gắng để có thể ít bị phụ thuộc vào yếu tố này. Việc lớn thì chưa nói, nhưng ít nhất những khoản sinh hoạt phí và đầu tư cho bản thân không còn phải quá đắn đo.
Thứ hai là kỹ thuật hay kỹ năng. Thợ rèn làm kỹ thuật sản xuất. Công việc từ trao đổi với các công ty cung ứng về việc thiết kế máy cho tới lắp đặt và bàn giao máy, dây chuyền sang các cứ điểm liên quan tại nước ngoài. Hồi mới vào công ty, khi chưa có kỹ năng, việc viết một email liên lạc, báo cáo, trao đổi với phòng ban khác tiếng Nhật ta gọi là hou-ren-so cũng rất khó khăn và tốn nhiều thời gian. Người Nhật viết mail dài, câu chuyện đi nửa vòng trái đất mới vào chuyện chính, việc chọn sao cho được một câu cú phù hợp cũng tốn thời gian. Trong khi những ai làm việc quen, với họ chuyện đó như cơm bữa thì họ làm chưa tới 1 phút, nhưng thợ rèn phải mất cả 30 phút, có khi tới cả tiếng đồng hồ. Việc này theo thợ rèn là khó tránh, nhưng có một điều chắc chắn có thể nói đó là chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện. Việc cải thiện đó nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc ta có ý thức được sự yếu kém về chuyên môn, kỹ thuật và có kế hoạch học tập tìm hiểu bổ sung hay không. Khi có được sự trang bị đầy đủ, ít nhất khi gặp các vấn đề liên quan tới kỹ thuật và đòi hỏi kỹ năng, chúng ta cũng sẽ nhanh chóng đưa ra được quyết định.
Thứ ba đó là kinh nghiệm. Kinh nghiệm thì có thành công và thất bại. Hồi mới đi sang Thâm Quyến để lắp máy, thợ rèn đứng đàng sau tiền bối để học lỏm. Có hỏi tiền bối cũng không trả lời. Cầm cái búa còn không chắc, vặn con ốc còn khó khăn. Điều chỉnh máy xong chẳng may kiểm tra lại thấy có vấn đề thì như mất sổ gạo, lo lắng và hồi hộp. Khi nghiệm thu, ai đó mà hỏi câu nào khó là ú ớ không trả lời được. Khi đứng phát biểu thì thiếu tự tin. Sự ưu tú của bản thân dường như bị cái lo lắng lấn át. Nhưng một lần thất bại và làm lại sẽ cho ta sự tự tin hơn, đặc biệt sau khi khắc phục ta có được tự tin và tìm cho mình được nguyên tắc hay cách làm mà ta chắc chắn thấy đúng. Lần sau khi gặp chuyện tương tự chắc chắn ta tự tin hơn nhiều, hoặc có gặp chuyện tương tự thì cũng bỡ ngỡ hơn. Ai trước khi thành chuyên gia cũng phải trải qua những ngày lần đầu. Thợ rèn cũng vậy và bạn cũng vậy. Xưa lần đầu đi phiên dịch cho một phái đoàn cấp cao, thợ rèn đổ mồ hôi hột vì chưa bao giờ làm những chuyện như vậy, lo lắng vì tiếng Nhật chuyên ngành không rõ, tính chất của sự kiện lại quan trọng. Nhưng rồi chắc chắn mọi chuyện cũng sẽ qua, dù đó là một kết quả tốt đẹp hay đó là một sự kiện khiến ta nghĩ sau này có khi phải chui đầu xuống hố nẻ. Cơ mà không sao các bạn ạ. Những người quyết định nhanh, các bạn cũng hãy tin rằng họ đã có những va đập trong quá khứ. Nếu ngày nay ta chưa làm được như vậy thì cũng chỉ là time lag tức sự trễ hơn của thời gian một chút mà thôi.
Cái cuối cùng chính là quan hệ. Một quan hệ tốt và có thể nhờ cậy được có thể giúp ta giải quyết vấn đề nhanh hơn rất nhiều. Xưa thợ rèn làm việc với đối tác Nhật, do đã có sự tin tưởng, chỉ một cú điện thoại là có được thông tin, nhưng có những người bạn chưa từng làm việc với họ, có gửi mail dài và rất trịnh trọng thì cũng rất lâu mới có được câu trả lời. Rồi bữa năm ngoái, khi mà dịch corona mới bùng phát Việt Nam làm chặc không cho người nước ngoài nhập cảnh, thợ rèn được một người bạn hướng dẫn nếu xin được công văn chính phủ và thuê được máy bay riêng thì có thể bay qua Việt Nam được. Lúc bấy giờ công ty thợ rèn có một dự án lớn cần người qua gấp, không phải một người mà phải mười mấy người. Không qua được thì mất đơn hàng, mà mất đơn hàng thì toàn bộ số tiền đầu tư mấy chục triệu đô cũng gặp khó khăn cho việc thu hồi. Thợ rèn nói chuyện này với sếp trong cùng bộ phận, nhưng sếp nói không có chuyện thuê máy bay riêng. Thợ rèn buồn thỉu thiu, bữa ngồi xe buýt đi làm về ngồi cạnh sếp to hơn sếp mình 2 bậc, thợ rèn đưa câu chuyện ra nói, bữa sau lên công ty chưa hiểu chuyện gì thợ rèn được tin mọi người đang xôn xao về kế hoạch mà thợ rèn đề xuất, ra người bạn ngồi trên chiếc xe buýt đã đưa câu chuyện sang người có quyền quyết định và yêu cầu cân nhắc. Thực ra hằng ngày, thợ rèn cũng thường chào hỏi và buôn chuyện với vị sếp lớn kia rồi, nên câu chuyện đưa ra đôi khi cũng giống như một câu chuyện mà thợ rèn vẫn thường nói thường ngày mà thôi, nhưng gặp phải người có quyền quyết định và có thể đưa ra quyết định dựa trên cái nhìn tổng thể thì mọi thứ được đẩy đi rất nhanh.
Giờ dù đã có thể làm việc và quyết định nhanh hơn ngày mới vào công ty nhưng cá nhân thợ rèn vẫn còn nhiều điều cần cải thiện. Bởi vậy, thợ rèn vẫn đang cố gắng để trong tài khoản tiết kiêm của mình ngoài tiền ra thì còn phải tích luỹ thêm được kỹ thuật, kỹ năng, kinh nghiệm và những mối quan hệ tốt. Các bạn chưa có thì hãy bắt tay vào tích luỹ, bạn nào có rồi thì hãy tích luỹ nhiều hơn, còn bạn nào có nhiều rồi thì hãy chia sẻ để mọi người xung quanh cùng tiến bộ nhé.
#68 – 1 By Thợ rèn