Time lag = Độ trễ về thời gian
Xưa thợ rèn nghĩ mình đọc bao nhiêu sách mà chả thấy ứng dụng được gì. Học tiếng Anh, rồi tiếng Hoa mà chả bao giờ dùng tới, công ty tạo điều kiện cho học MBA, MBI mà học xong cũng vẫn phải đi rèn dao rèn kiếm, chẳng biết đến khi nào mới được mặc áo véc rồi ngồi bàn đàm phán. Nhưng rồi dần dà, thợ rèn nhận ra rằng trong việc học và việc đưa vào thực tế có sự tồn tại của khái niệm time lag tức độ trễ của thời gian.
Ví dụ, nếu ta học excel, ta học được mánh đối với những ô nào mà nhập liệu thì để chữ và số màu đen, ô nào mà có sử dụng công thức thì để chữ màu xanh, khi cần phải thay đổi format cho bảng biểu, ô dữ liệu bấm phím tắt ctrl+1… là những thứ mà học xong có thể dùng được ngay. Những thứ này có time lag cực kỳ ngắn và có tính ứng dụng cao. Ai học xong cũng thấy mình tiến bộ ngay tức khắc. Nhưng cũng có những thứ mà học như trên mây trên trời, nào là đạo hàm tích phân, nào là cos cos tan tan, nhưng gần như chẳng mấy khi động tới. Ai sang hơn thì học nào là chiến lược kinh doanh, phân tích SWOT…nhưng nghiệp vụ thường ngày thì ít khi chạm tới, rồi thì ta lại ngồi than học thật lãng phí.
Thợ rèn cũng có những trải nghiệm như thế này. Nhưng giờ thì thợ rèn không có ngồi than như trước nữa, mà ngồi lại vạch ra cho mình biết những kiến thức nào, những nội dung nào có time lag dài, và những nội dung nào có time lag ngắn. Nếu chỉ toàn những time lag dài thì sẽ chán, và công việc hiện tại cũng không có suôn sẻ. Nhưng ngược lại chỉ có những hạng mục có time lag ngắn, cái gì cũng phải ăn xổi, dùng được luôn thì nhiều khi những cơ hội lớn tới ta lại không kịp trở tay. Ví dụ trong công ty thợ rèn có chế độ đi công tác nước ngoài, cụ thể là sẽ đi phụ trách cứ điểm nước ngoài từ 2-3 năm, những người nhanh thì vào công ty 3 năm là có thể được cử đi rồi, những ai chậm hơn thì tuỳ vào khả năng và sự năng động trong công việc. Để làm việc này, ngoài kiến thức chuyên môn cần có kiến thức về quản lý con người và quản lý công việc. Bình thường thì không mấy khi dùng tới, nhưng khi thay đổi thứ bậc công việc, ai có sự chuẩn bị trước sẽ luôn được ưu tiên. Vậy nên nếu không có sự chuẩn bị cho những hạng mục có time lag dài thì khi cơ hội lớn đi tới, ta khó lòng giành lấy được.
Trong công ty Nhật, đối với những người có mong muốn thăng tiến, họ thường rỉ tai nhau về việc “suy nghĩ trên lập trường của sếp 2 bậc”. Ví dụ hiện là nhân viên thì suy nghĩ trên lập trường của trưởng phòng, nếu là trưởng phòng thì suy nghĩ trên lập trường của giám đốc bộ phận… Làm như vậy vừa để hiểu được sếp, vừa để quen với việc đưa ra quyết định và quản lý con người. Muốn quản lý cái gì thì cần hiểu cái mà chi phối thứ đó. Ví dụ quản lý con người thì cần biết con người cần lương thưởng, động lực công việc… có nghĩa là cần phải biết cách quản lý những mặt đó thì mới có thể lên chức trong công ty.
Ngoài ra còn một cách suy nghĩ khác nữa đó là in basket thinking. Nói dân dã thì giống như các cuộc thi hái hoa dân chủ, hoa khôi xóm trọ, sinh viên thanh lịch… mà tại đó các thí sinh lên bốc thăm trả lời câu hỏi tình huống, nếu em là…trong tình huống… em sẽ xử lý ra sao? Kiểu như vậy, nhưng in basket thinking sẽ hướng vào công việc với những nội dung chi tiết hơn. Mà cách luyện tập thông thường là mỗi người sẽ đóng vai một người nào đó, sau đó nhập vai như một diễn viên và bắt tay vào xử lý công việc. Ví dụ thợ rèn hiện đang là một thanh niên ngày nào cũng ngồi đập đập cái búa để rèn kiếm nhật, nhưng trong đầu thì suy nghĩ mình là kỹ sư trưởng, project leader để khi có vấn đề nào tới là cũng phải xử lý công việc phăn phắt. Ai mà gửi mail phút trước là phút sau có câu trả lời, ai hỏi lịch giao hàng của lô kiếm rèn theo phong cách kiếm cổ là có thể vanh vách trả lời ngày A tháng B hàng sẽ được giao, chất lượng đảm bảo theo tiêu chuẩn XYZ. Những suy nghĩ như thế này thực ra có biết hay không biết cũng không ảnh hưởng tới thời điểm hiện tại nhưng sẽ luôn có sự ảnh hưởng trong tương lai. Ai có sự chuẩn bị chu đáo thì cơ hội tới, họ luôn có ưu thế để dành lấy được.
Khi suy nghĩ về vấn đề này, thợ rèn nghĩ chúng ta cần cân bằng giữa cả hạng mục time lag dài và time lag ngắn, thậm chí còn phải nghĩ xa hơn về time lag cực dài. Time lag cực dài là những thứ sẽ hữu ích khi ta về già, ví dụ như vấn đề sức khoẻ, lương hưu thú vui. Ở Việt Nam, các cụ bước qua thời kỳ chiến tranh hoặc đi lên từ nghề nông là chủ yếu, vậy nên người biết chơi đàn, người biết ca hát là không nhiều. So với Nhật, những người lớn tuổi có thú vui tao nhã, những thú vui nghệ thuật có thể nói là ít hơn. Bác người quen của thợ rèn năm nay đã gần 80 nhưng lịch trình hàng ngày rất chi là bận rộn, hôm thì đi học đàn sammisen (đàn ba dây), hôm thì đi học hát hợp xướng, hôm thì đi học diễn Noh, hôm thì cùng gia đình đi ngắm chùa (vì bác rất yêu thích chùa và tìm hiểu về những món đồ cổ), hôm thì quay về những mảnh vườn nhỏ để trồng cây và hái rau ăn. Để có được điều đó, bác đã học cách chăm sóc sức khoẻ từ hồi còn trẻ, học cách dành tiền để có sự thoải mái trong chi tiêu khi về già, học cách tiếp cận với nghệ thuât để khi về già có thể vui thú với những thú vui tao nhã này.
Ngay việc đọc sách cũng vậy. Đôi khi thợ rèn có hoài nghi đọc sách liệu có mang lại giá trị hay không? Đặc biệt có những cuốn sách nặng về suy nghĩ, ít bàn về kỹ năng theo kiểu cầm tay chỉ việc. Ngày một ngày hai thì ít cảm nhận thấy, nhưng về lâu dài thợ rèn nghĩ rằng suy nghĩ của bản thân có phần ảnh hưởng bởi suy nghĩ của những cuốn sách đó. Hôm rồi thợ rèn có đi nghiệm thu máy ở Kanazawa, tại buổi tiệc chiêu đãi với phía đối tác, trong lúc mọi người cũng đã ngà ngà men rượu họ mới chia sẻ rồi dành những lời có cánh cho cách suy nghĩ của thợ rèn. Người Nhật đôi lúc có sự khách sáo trong cách nói chuyện, nhưng trên bàn nhậu đặc biệt là lúc say và đặc biệt khi họ nói ra được với những dẫn chứng cụ thể thì ít nhiều những gì họ nói là sự thực. Những lúc như vậy thợ rèn chợt nhận ra, ở đâu đó trong tiềm thức của mình, những suy nghĩ, hành động và lời nói của mình có bị ảnh hưởng bởi nội dung của những cuốn sách mà mình đã từng đọc. Những lúc như vậy thợ rèn thấy đỡ tiếc những khoản tiền đầu tư cho những cuốn sách hơn các bạn ạ.
Time lag tồn tại đó là sự thực. Thợ rèn đồng ý nên ưu tiên cho những hạng mục có time lag ngắn, nhưng cũng có một gợi ý nho nhỏ đó là chúng ta hãy dành một chút thời gian để vạch ra những kỹ năng và kinh nghiệm cần có mà time lag dài hơn một chút như kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệm, kỹ năng quản lý tài chính, quản lý rủi ro, những môn nghệ thuật, những môn thể thao, những thú vui cần sự đầu tư…Khi làm được việc này, thợ rèn tin rằng các bạn không những là những người làm được việc mà còn là người có tiềm năng cho những cơ hội lớn hơn. Ngày mai thợ rèn vẫn ngồi đập kiếm, nhưng chẳng biết đâu sang năm thợ rèn lại thành kỹ sư trưởng rồi từ sáng tới chiều cứ phải đi họp không còn thời gian ngồi viết bài chia sẻ nên giờ thợ rèn cũng đang dành chút thời gian cho kỹ năng viết lách, thứ mà thợ rèn nghĩ cũng nên được liệt kê vào hạng mục time lag dài dài.
#0 – By Thợ rèn