Ngày trước nhờ bạo dạn đăng ký đi thực tập ở nước ngoài mà thợ rèn quen được một cơ số những người bạn Nhật hướng ngoại. Trong số đó có một người bạn mà khi nhớ tới anh bạn này là thợ rèn nhớ tới cái nhà vệ sinh. Cậu bạn học về điện, nhưng lại cực kỳ đam mê kinh doanh. Trong kinh doanh lại cực kỳ thích bồn cầu. Cậu bạn đi tới đâu cũng để ý nhà vệ sinh, và giờ cậu đang làm cho TO TO một hãng sản xuất bồn cầu của Nhật. Hồi xửa hồi xưa thợ rèn đi thực tập bên Mỹ. Tại Mỹ, thiên nhiên, cuộc sống thì không có gì để chê, nhưng có một thứ mà cậu bạn đi cùng luôn kêu ca đó là nhà vệ sinh của Mỹ quá tệ. Thợ rèn trước cũng không để ý, nhưng từ khi cậu bạn phàn nàn, thợ rèn mới chợt nhận ra đúng là Nhật có những nhà vệ sinh vô cùng tuyệt vời.Nhà vệ sinh vào mùa đông sẽ có bệ sưởi ấm. Bước vào nhà vệ sinh, nắp bồn cầu tự mở, đi ra thì nắp bồn tự đóng. Đi đại tiện xong thì bồn tự xả nước lớn. Tuỳ cảm hứng mà thợ rèn có thể chọn chế độ phun mông theo nhiều cách khác nhau. Đi tới những khu vực bệnh viện, viện dưỡng lão, khu vực chăm sóc sức khoẻ, khu vực cho con bú thì nhà vệ sinh còn có thêm nhiều chức năng nữa, ví dụ tay vịn, có ghế ngồi như vườn treo babilon cho bé, có cả những nút bấm khẩn cấp. Thợ rèn thi thoảng có lui tới những cửa hàng truyền thống. Tại đây, nhà vệ sinh có trang trí những lọ hoa rất đẹp, những bức tranh rất bắt mắt, còn có cả mùi cực kỳ dễ chịu.
Bữa rồi, thợ rèn dịch cuốn sách “日本で一番大切にしたい会社”( Những công ty đáng trân trọng nhất Nhật Bản) còn có một bài viết về một vị giám đốc đầu tư rất nhiều cho nhà vệ sinh, vì ông cho rằng nhà vệ sinh là nơi ngày nào ta cũng phải đi tới, và đó là thời gian hiếm hoi được nghỉ ngơi nên cần làm cho thật đẹp, thật sạch. Rồi bữa nọ thợ rèn vào nhà vệ sinh tại một sân bay quốc tế, thợ rèn rất vô cùng thích thú vì được trải nghiệm một chức năng hoàn toàn mới. Chức năng với nút bấm “tiếng chim hót trong nhà vệ sinh”. Nhìn nút bấm thợ rèn cười mỉm, vì hiểu được ý đồ thâm sâu của người làm ra ý tưởng này. Những ai đi vệ sinh ở nơi công cộng đôi lúc rất ngại nếu lỡ để phát ra những tiếng động tỏm, tủm, tỉm…nên nhiều khi phải kiềm chế. Giờ thì chẳng gì phải lo lắng, chỉ cần bấm nút là chim hót, suối chảy, nước biển dạt dào luôn, tha hồ mà tỏm tủm tỉm.
Người Nhật họ rất để ý tới những điểm nho nhỏ như thế này và phản ánh vào trong sản phẩm. Việc làm cho sản phẩm mỗi ngày một tốt lên như thế này được gọi là cải thiện, hay kaizen. Kaizen không có điểm dừng, vì ta sẽ luôn làm được thứ gì đó tốt hơn hiện trạng. Tới đây thợ rèn mới nghĩ, có thể kaizen được cái nhà vệ sinh ở Việt Nam hay không? Nhà vệ sinh bên Việt Nam mình ở mặt bằng chung chưa thể trang bị hệ thống cảm biến nhiều như những nhà vệ sinh bên Nhật được. Mà thêm hết vào thì giá sẽ lên đến cổng trời, thật khó để với tới. Nếu vậy thì có thể nghĩ tới cách làm các module cho sản phẩm có sẵn. Các module đó có thể là module lò sưởi cho mùa đông, module âm nhạc cho những ai để ý tới tiếng động, module massage chân, massage mông… Làm module thì tiện ở chỗ ai thích gì thì chọn nấy, còn sản phẩm gốc là cái bồn cầu thì vẫn giữ nguyên. Sắp cuối tuần rồi nên thợ rèn lại mong được đến sân bay có bán cuốn “tiếng chim hót trong bụi mận gai” và được sử dụng nút bấm “tiếng chim hót trong nhà vệ sinh”
#0 – By Thợ rèn