Nguyên tắc Give mũ năm
Trong tiếng Anh có từ give và take. Có nghĩa là cho đi và nhận lấy. Nếu take > give thì gọi là khôn lỏi, lấy nhiều hơn cho. Nếu take = give thì nói chung là sòng phẳng. Còn nếu take < give thì có thể xếp vào hàng hào sảng, kiểu như những người sẵn sàng cho đi mà không ngại nhận phần thiệt vào mình.
Tiếng Nhật thì có câu 情けは人のためならず đọc là Nasake ha hito no tame narazu. Có nghĩa là những điều tốt đẹp thì không phải vì người khác. Câu nói lửng lơ là vậy, nghĩa để người ta đặt nghi vấn, không vì người khác thì vì ai, thực ra là vì mình. Những điều tốt đẹp ta cho đi thì cuối cùng sẽ quay trở lại với chính ta theo một cách nào đó mà thôi.
Như trong câu chuyện lần trước, thợ rèn có nhắc tới từ time lag, có thể tạm hiểu là sự trễ về thời gian. Có những việc tốt đẹp được đáp lại ngay bởi một lời cảm ơn, nhưng có những việc tốt phải quay đi quay lại bao nhiêu nhân vật trung gian rồi mới quay lại với chính mình, mà lúc đó ta lại chẳng nhận ra được vì sao có những chuyện tốt đẹp như vậy lại đến với ta.
Take và give là như vậy nhưng có một triết lý bữa nay thợ rèn muốn chia sẻ với các bạn là triết lý (give)^5 đọc là Give mũ năm. Không có take mà chỉ có give, tức chỉ có cho. Không cho một mà cho tới cả năm lần. Tận hiến và cống hiến hết mình. Nghe thì như chuyện thánh nhân, nhưng nếu làm được điều đó thì chắc chắn những chuyện tốt đẹp một ngày đẹp trời nào đó sẽ đến với chúng ta.
Thợ rèn cũng tham sân si như bao người đẹp trai xinh gái khác thôi chứ chưa có được hào sảng tuyệt vời như những con người thực hiện nguyên tắc Give mũ năm. Bởi thợ rèn còn đang vương vấn ở sự công bình, cho bao nhiêu thì phải nhận bấy nhiêu. Cho đi mà không nhận lại được sẽ hờn sẽ giận, sẽ vò đầu bứt tai, lần sau không thèm cho đi nữa. Cơ mà có lúc ngồi lại thợ rèn mới chợt nhận ra, những gì ta chưa có đủ thì ta không thể cho đi. Muốn cho đi tiền của trước hết phải có tiền, muốn cho đi kinh nghiệm trước hết phải từng trải, muốn cho đi tình yêu thương trước hết phải có tâm hiểu được lòng yêu thương. Còn muốn cho đi sự nóng giận thì cũng không khó lắm, vì khi ta có thừa điều đó thì đương nhiên ta hoàn toàn có thể cho đi.
Hồi mới vào làm công ty, khi các bạn dưới xưởng gọi thợ rèn vào xử lý vấn đề trục trặc, thợ rèn kêu tôi bận, tôi đâu có thời gian để vào xưởng làm những chuyện đó đâu, tôi còn phải bận công chuyện khác…mà nói với họ là phải nói bằng giọng thật sang mới chịu. Kết quả thì thợ rèn có thể lảng tránh được lúc đó nhưng thợ rèn cũng mất đi cơ hội để học hỏi được kinh nghiệm xử lý vấn đề tại hiện trường, kinh nghiệm thao tác với máy, rồi sau này khi muốn điều chỉnh thời gian để dùng máy thí nghiệm các phương pháp gia công mới thì cũng gặp nhiều khó khăn do không được sự hỗ trợ của những người dưới xưởng. Kể cũng đúng, thợ rèn đâu có give mà chỉ muốn take, đương nhiên hệ quả nhãn tiền là như những gì thợ rèn có kể ở trên.
Nhưng sau này khi kinh nghiệm nhiều hơn, quan sát được những người tiền bối giỏi về kinh nghiệm, siêu về kỹ năng, có tinh thần phóng khoáng, sẵn sàng cho đi (give) mà không cần suy tính quá nhiều, thợ rèn cũng dần nhiễm dần những đức tính tốt kiểu như trong vật lý gọi là hiện tưởng cảm ứng từ đấy. Thợ rèn bắt đầu cho đi, ngày đầu chưa quen thì thực hiện quy tắc Give mũ một, quen dần thì tiến sang give mũ hai, rồi giỏi hơn nữa thì thực hiện give mũ ba. Dù chưa lên được bậc give mũ năm, nhưng dù sao thợ rèn cũng cảm thấy thực sự thoải mái trong công việc, cảm nhận được sự hợp tác của các bên, cảm thấy có động lực vì khi mình gặp khó khăn luôn có người xuất hiện giúp đỡ. Mai mốt khi thợ rèn thực hiện được nguyên tắc Give mũ năm, thợ rèn sẽ lục lại bài này để chia sẻ nhiều hơn. Còn bữa nay thợ rèn tạm dừng tại đây các bạn nhé.
#68-2 By thợ rèn