Hồi học đại học bên Nhật, thợ rèn có tham gia câu lạc bộ Karate. Trên phòng tập có ghi 3 chữ to tướng và chỉ có ba chữ đó thôi đó là chữ 守破離, đọc là Syuhari, phiên âm Hán Việt là thủ, phá, ly. Tìm hiểu ra thì thợ rèn biết rằng phòng tập còn là nơi các bạn bên câu lạc bộ kiếm đạo và cả judo đến tập nữa, nên chữ này dùng chung cho cả mấy người học võ luôn. “Thủ phá ly” là tóm tắt cho cả một hành trình từ khi bắt đầu học cho tới khi trưởng thành đạt mức sáng tạo. Giờ đã giải nghệ, không còn tập karate nữa nhưng thủ, phá, ly vẫn là một công thức thú vị giúp thơ rèn rèn luyện bản thân mỗi ngày nên nghĩ bụng phải viết ra đây chia sẻ với các bạn theo dõi Nomudas mới được.Thủ có nghĩa là tuân thủ. Trước hết thầy dạy thế nào thì làm theo như thế. Cái này gọi là tuân thủ, bắt đầu cho mọi loại tu hành. Thợ rèn hồi mới vào công ty, thấy sáng sủa, khuôn mặt rạng ngời nên được nhiều anh chị (sempai) ưng cái bụng, cái gì cũng chỉ hết. Nhưng sợ thợ rèn bội thực nên chỉ có chỉ cho những việc đơn giản thôi, ví dụ như cách viết email như thế nào, cách gọi điện cho đối tác ra sao, cách sắp xếp một cuộc họp sao cho hợp lý. Ban đầu các anh chị bảo như thế nào thợ rèn ngoan ngoãn làm răm rắp như thế, không có cãi gì cả. Thấy thợ rèn ngoan, dễ thương thế là sempai mới rủ đi công tác Thâm Quyến, qua đó thợ rèn chăm chú quan sát rồi ghi ghi chép chép lại đủ thứ mà sempai đã làm, rồi cố gắng bắt chước theo (mặc dù ban đầu sempai vẫn thử lòng thợ rèn, hỏi không trả lời, mà yêu cầu quan sát cho thật kỹ).
Lần sau, sempai bảo, đấy sang tháng thợ rèn tự đi môt mình nhé. Ban đầu cũng sợ, nhưng may mà đã lưu lại những tuyệt chiêu của sempai nên những ngày đầu đi Thâm Quyến, Thượng Hải thợ rèn cũng hoàn thành chuyến công tác ở mức độ không đến nỗi tệ.
Nhưng đi nhiều thì thành quen, khi đã quen việc rồi thì phải chuyển sang bước tiếp theo, đó là bước phá.Phá có nghĩa là phá cách, chứ không phải là phá hoại các bạn nhé. Phá có nghĩa là chủ động trong việc tiếp thu kiến thức từ xung quanh, từ những người thầy khác thậm chí là từ chính mình để hiểu những nguyên tắc và lý thuyết mà chúng ta đã đã thu được ở bước tuân thủ. Công việc của thợ rèn là điều chỉnh máy và thiết lập máy trước khi cho chạy sản xuất hàng loạt. Ban đầu thợ rèn được các sempai chỉ cho cách làm và để đảm bảo tiến độ, các sempai không giải thích lý do, mà để cho thợ rèn tự suy nghĩ. Làm một lần, hai lần thì thợ rèn tò mò suy nghĩ tại sao phải điều chỉnh như thế này? bản chất của bước điều chỉnh này là gì? có nhất thiết phải tuân thủ như thế hay không? có cách nào an toàn hơn? nhanh hơn? hiệu quả hơn? dễ làm hơn không? thợ rèn suy nghĩ dựa trên cách mà Toyota dạy cho nhân viên về Kaizen để tìm hiểu vấn đề, và để hiểu cặn kẽ hơn lý do mà sempai lại muốn thợ rèn tuân thủ như vậy. Cách làm như thế này được gọi là phá, phá cách để tách rời khỏi những suy nghĩ truyền thống.
Thế rồi cuối cùng thợ rèn cũng đi đến bước thứ 3, đó là bước ly. Ly có nghĩa là ly khai, là tách ra với cách làm cũ để tạo cho mình cách làm riêng dựa trên những gì đã học và làm ở bước thủ và phá. Đến bước này thì không còn cần tới thầy nữa mà mình phải là thầy của mình và mình có thể đứng song hành để đàm đạo với thầy. Thợ rèn nghĩ ra cách làm mới, nhanh hơn và chính xác hơn, nhờ thế mà thời gian công tác được rút ngắn xuống, có thời gian dôi ra được leo lên tàu đi ngắm đường ngắm phố, được đi đến quán ăn bánh màn thầu, xủi cảo.Làm việc cho công ty Nhật thợ rèn nhận thấy người Nhật làm bước thủ rất tốt, còn người Việt mình thì có phần kém hơn, vì chưa gì mình đã muốn nhảy sang bước phá rồi, cơ mà nguy hiểm đó là phá suốt mà không chịu ly. Trong hành trình của sự tiến bộ cả ba bước trên là không thể thiếu, nhờ học karate mà thợ rèn biết được điều trên và bớt ngáo ngơ hơn, để học được nhiều hơn. Năm rồi thợ rèn ly được một mánh, những năm tiếp theo mục tiêu là phải ly được thêm vài chiêu nữa và bắt đầu thủ được vài món nữa. Đêm nay thợ rèn lại mơ về thủ phá ly, ly phá thủ…
#0- By thợ rèn