Phòng khi bất trắc
2:46 phút chiều ngày 11/3/2011 cơn sóng thần cao gần 20m ập vào bờ đông Nhật Bản, cướp đi sinh mạng của gần 20 ngàn người. Mai là kỷ niệm 8 năm vụ thiên tai mà người Nhật sẽ không bao giờ quên, thợ rèn muốn viết đôi dòng để nói về chuyện phòng khi bất trắc. 2h30 phút chiều hôm đó, thợ rèn đang trong phòng thay đồ để chuẩn bị cho công việc phát báo chiều. Bức tường bắt đầu rung, thợ rèn chưa lần nào thấy động đất lớn như vậy, nửa vì tò mò nửa vì còn ngây thơ nên thợ rèn chỉ nghĩ bụng “ồ động đất”, nhưng 10s, 15s cơn địa chấn ngày càng mạnh, thợ rèn bắt đầu sợ. Hồn vía lên mây, thợ rèn chạy vội ra ngoài thì hỡi ôi một thảm hoạ bắt đầu xảy ra.
Tiệm báo nơi thợ rèn làm việc rung lắc kinh khủng, tất cả nhân viên chạy hết ra ngoài, xung quanh các toà nhà khác mọi người cũng dồn ra hết những khu đất trống. Năm 2011, toà tháp Sky tree tại Tokyo của Nhật vẫn đang xây chừng được hơn 400-500m gì đó. Từ tiệm báo của thợ rèn, mọi người nhìn sang lại cứ ngỡ là toà tháp đang xây bị đổ mất tầng trên. Một lúc sau, những trận rung lắc cũng bớt. Mọi người bước vào tiệm thì mọi đồ đạc đổ ngang đổ dọc. Những chồng báo được xếp ngay ngắn lúc nãy thì xô lệch, siêu vẹo nằm lăn lộn trên sàn nhà. Ti vi chiếu trực tiếp sân bay Sendai và khu vực Đông Bắc Nhật Bản. Trận sóng thần cao gần 20m ập vào như nuốt chửng tất cả. Chiếc xe ô tô đang chạy, chưa kịp định thần không biết chuyện gì xảy ra, đang tính quay đầu thì bị cơn sóng cuốn đi. Hoả hoạn ở nhà máy gần Narita, sân bay Sendai ngập nước. Một em bé đang trườn lên nơi cao hơn để lánh nạn nhưng em bị cơn sóng vồ ngay trong chớp mắt…Mọi thứ tưởng như một bộ phim nhưng lại là sự thật diễn ra ngay trước mắt.
Lúc bấy giờ thợ rèn ở Tokyo. Tokyo cách xa tâm chấn mấy trăm cây số nhưng chấn động cũng đến 5.5 độ richter. Mấy cột sóng điện thoại và internet tại Tokyo bị đổ, tàu điện dừng, người người đổ ra đường và phải đi bộ về nhà. Từ chiếu tối hôm đó đường tắc. Thợ rèn tối nằm ngủ phải đội mũ bảo hiểm vì sợ dư chấn. Đến 1h sáng thì thợ rèn dậy để ra tiệm phát báo sáng. Đường vẫn tắc như lúc chiều. Hồi bấy giờ smart phone chưa có phổ biến như bây giờ, mọi người dùng điện thoại cục gạch giống như mấy chiếc điện thoại Nokia nhỏ nhỏ như bên Việt Nam mình. Vì gọi quốc tế giá mắc nên những năm mới qua Nhật thợ rèn dùng thẻ gọi điện quốc tế. Cách gọi thì phải bấm một chuỗi số dài phía trước trước khi bấm số của người nhận điện thoại bên Việt Nam. Cuộc gọi như thế này thực tế là gọi gián tiếp thông qua một tổng đài. Vì gọi qua mạng tổng đài nên sóng lúc xảy ra động đất chập chờn ghê lắm.
Không gọi thì thôi chứ gọi câu được câu không làm mọi người bên Việt Nam càng thêm lo lắng.Bây giờ nghĩ lại thợ rèn thấy mình thật bất cẩn vì lúc bình thường không tìm hiểu cách gọi quốc tế trực tiếp từ điện thoại, để khi có chuyện gì có thể liên lạc nhanh chóng với gia đình. Những năm gần đây thì khác rồi, gần như bạn du học sinh hay bạn thực tập sinh, người đi làm nào cũng đều có điện thoại thông minh. Mọi người thậm chí không gọi điện trực tiếp mà chủ yếu dùng các ap như zalo, viber, wechat, line, facebook, skype để gọi điện. Vậy nên nguy cơ rất nhiều bạn sẽ giống như thợ rèn 8 năm trước là không biết cách gọi quốc tế trực tiếp từ các máy điện thoại. Khi có biến, không vào được mạng những bạn này sẽ không biết cách liên lạc với gia đình như thế nào.
Cách gọi quốc tế thực ra cũng không quá khó. Ví dụ gọi cho số 0168-xxxx-yyyy bên Nam thì có thể gọi như sau:
* Mạng Softbank, docomo: +84168xxxxyyyy hoặc 01084168xxxxyyyy (010 tương đương với dấu +) Để bấm dấu + thì bấm vào số 0 chừng 1s.
* Mạng AU: 01084168xxxxyyyytrong đó 84 là mã quốc gia.
Nếu không biết trước nhiều người sẽ lúng túng không biết tìm dấu + ở đâu, cũng không biết dấu + có nên cho vào hay không? Hoặc như của AU thì họ lại thay dấu + bằng cụm 3 số 010 thì nhiều người cũng không có biết.Giá gọi quốc tế tuỳ vào nhà mạng, thông thường giá vào khoảng 15.000~30.000vnđ/phút, nên cũng không phải là quá mắc cho những cuộc gọi khẩn cấp.Thời smartphone, cách gọi điện tưởng ai cũng biết nhưng thực tế lại không hẳn là như vậy. Phòng khi bất trắc, thợ rèn viết mấy dòng này, hi vọng có bạn nào đang ở Nhật đọc được, nếu chưa bao giờ gọi quốc tế thì thử quay máy môt lần gọi điện về nhà, phòng khi không liên lạc được qua internet thì có thể biết cách báo tin cho gia đình.
—By Thợ rèn